HƯỚNG VỀ BỐN QUẢ và BỐN THIỀN


Phuong Nguyen

Hôm nào anh viết về việc tu tập giải thoát sinh tử luân hồi theo 4 thánh quả thay vì cứ nhất nhất phải hướng tới 4 thiền mới giải thoát đi anh. Để gieo duyên cho những ai hữu duyên mà còn đang mắc chỗ này ạ.

Trả lời:

Anh chưa phải là người chứng 4 thiền (4 thiền hữu sắc: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền) nên trình bày về 4 thiền này có phần quá sức với anh. Tuy nhiên, trên góc độ Pháp học, anh có thể chia sẻ với em cũng như các bạn như sau.

Bốn thiền là: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền.

Bốn quả là: Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, A la hán.

Bốn thiền (hữu sắc) thuộc về cảnh giới cõi trời hữu sắc, nó cũng thuộc về pháp hữu vi, chịu sự vô thường, biến hoại.

Chúng ta có 3 cõi: dục giới, sắc giới, vô sắc giới thì 4 thiền thuộc về sắc giới.

Chính vì 4 thiền thuộc về cõi trời hữu sắc nên nếu mình hướng về đó thì cũng là dục cõi trời. Nếu ai đó chứng đạt 4 thiền này cũng phải xả (xả giác chi) thì mới cộng trú Niết bàn. Nếu còn chấp thủ 4 thiền thì vẫn còn triền phược (phiền não của 5 thượng phần kiết sử).

Em đọc bài kinh này để hiểu thêm 4 thiền mà Phật dạy [1]

Bốn thiền là hiện tại lạc trú, người chứng 4 thiền thì thù thắng hơn là người chẳng có gì. Cũng như nhà giàu và nhà nghèo đó em, giàu nghèo đều chết, nhưng giàu thì đỡ khổ hơn nghèo. Nên mình chưa có giàu (cõi trời dục giới), hoặc chưa có 4 thiền (cõi trời sắc giới) thì đừng có chê các cõi giới này, đây là phước báu, là công phu tu tập mới có quả dị thục đó. Ở đời thì người nghèo đố kị người giàu, người giàu thì khen mình chê người, trong đạo cũng vậy. Chính vì vậy mà đức Phật dạy bài Kinh Chân nhân [2]

Ở đây chúng ta nghe pháp thầy dạy, chúng ta hiểu là nếu ai đó đạt được công đức phước thiện chư thiên này thì hướng tâm về pháp VÔ NGÃ (Kinh vô ngã tướng [3]) để xả, tức là không thủ chấp vào công đức tu tập của mình.

"Gốc rễ của đau khổ

Là hỷ tham các pháp

Vật chất và tinh thần

Pháp phàm và pháp thánh:

Bốn đại và ba cõi

Cùng "niết bàn hiện tại ".

(MN.01 - Kinh Pháp môn căn bản - Sư cô Trí Hải tóm tắt).

Do "hỷ tham pháp thánh" - 4 thiền nên DỤC TÙY MIÊN không đoạn trừ, dục đó không đoạn trừ thì không có tâm thanh thản ở NGAY HIỆN TẠI.

Nói về "giải thoát sinh tử luân hồi" là phải nói về nhân quả, nhân quả chính là 3 cõi: dục giới, sắc giới, vô sắc giới; hoặc các cõi: a tu la, ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh, người, trời, niết bàn. Niết bàn là VƯỢT QUA các cõi a tu la, ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh, người, trời hay VƯỢT QUA 3 GIỚI (dục giới, sắc giới, vô sắc giới).

Chúng ta hướng về "đoạn trừ các thế giới" là hướng về Niết bàn.

Khi tu tập chúng ta hướng về 4 quả là HƯỚNG VỀ NIẾT BÀN, khác với HƯỚNG VỀ 4 THIỀN là hướng về cõi trời sắc giới.

Khi tu tập chúng ta phải lần lượt đoạn trừ các cõi giới a tu la, ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh, người, trời này thì mới có quả niết bàn (vô lậu).

Ban đầu chúng ta SỐNG 5 GIỚI, xả tâm để đoạn trừ các cõi ác (a tu la, ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh) rồi cộng trú trời, người. Đoạn trừ các kiết sử thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham, sân để hướng về Niết bàn.

Em đọc bài kinh này [4] sẽ thấy Phật dạy cho ngài Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc):

"Ta là người đoạn diệt được địa ngục, đoạn diệt được bàng sanh, đoạn diệt được ngạ quỷ, đoạn diệt được cõi dữ, ác thú, đọa xứ. Ta là bậc Dự lưu, ta không còn bị đọa lạc, ta đã được quyết định, Chánh Ðẳng Giác là mục tiêu tối hậu của ta".

Khi chúng ta GIÁC NGỘ CHÂN LÝ là ngay đó có Diệt Đế rồi, giờ là SỐNG HỘ TRÌ CHÂN LÝ với pháp TỨ CHÁNH CẦN, Tứ Chánh Cần là ĐỊNH TƯ CỤ, là pháp hằng ngày chúng ta tu, là pháp thiết thực, hiện tại.

Chúng ta cứ sống với 4 pháp sau là sống với "pháp thiết thực hiện tại":

- Thánh giới uẩn.

- Thành phòng hộ các căn.

- Thánh chánh niệm tỉnh giác.

- Thánh thiểu dục tri túc.

“Giác ngộ pháp thiết thực

Hiện tại không thời gian

Hộ trì sự thật này

Niết bàn chân hạnh phúc

***

Chỉ ngay nơi hiện tại

Diệt đế chính là đây

Nơi chính nội tâm này

Hộ trì chân hạnh phúc

***

Thông suốt Tứ diệu đế

Thấu rõ Đạo, Phi Đạo

Giác ngộ Bát Niết Bàn

Chánh trí chân giải thoát

***

Không chấp thủ đời này

Không chấp thủ đời sau

Không chấp thủ hai đời

Vị ấy được giải thoát.”

(Bài kệ của Sư Tánh Trí)

Tóm lại:
  • Em nên hiểu về 3 cõi (dục giới, sắc giới, vô sắc giới); 6 cõi (a tu la, ngạ quỷ, súc sanh, người, trời) và Niết bàn.
  • Em nên hiểu pháp Tứ chánh cần là hộ trì chân lý (tâm thanh thản, an lạc và vô sự).

Sài-gòn, 29.06.2020

_____________




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

CHÁNH PHÁP, TƯỢNG PHÁP, MẠT PHÁP - Thầy Thích Bảo Nguyên

Kinh Ví dụ cái cưa