XẢ SẠCH và NHƯ THẾ NÀO LÀ XẢ SẠCH?
Ở Bình An Ngay Hiện Tại, TP có chia sẻ với các bạn "“BUÔNG XUỐNG ĐI” LÀ BUÔNG XUỐNG CÁI GÌ?", hôm nay có bạn hỏi liên quan đến từ BUÔNG này (đó là từ XẢ) nên TP viết bài này.
Trong đạo Phật, chúng ta có một tuần tự xả bỏ, đó là xả bỏ các TẬP ĐẾ chớ không phải xả bỏ của cải vật chật (6 trần).
Tuần tự này là tuần tự đoạn trừ:
- Đoạn trừ thân kiến, nghi, giới cấm thủ.
- Đoạn trừ thân kiến, nghi, giới cấm thủ, làm muội lược tham, sân.
- Đoạn trừ thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham, sân (tức là 5 hạ phần kiết sử).
- Đoạn trừ 5 hạ phần kiết sử và 5 thượng phần kiết sử (sắc tham, vô sắc tham, trạo cử, vô minh, mạn).
Chúng ta, NGƯỜI CƯ SĨ xả là xả các kiết sử này, chớ không phải của cải, nhà cửa, công ăn, việc làm, v.v.. (SANH Y).
Chúng ta xả 5 hạ phần kiết sử này thì 6 trần không chi phối tâm ta, 6 căn (chính là thân của ta) không chi phối tâm ta, khi nó BIẾN HOẠI, VÔ THƯỜNG xảy ra TÂM CHÚNG TA KHÔNG CÓ KHỔ. Chớ không phải chúng ta bán nhà, bán cửa cúng dường hay cho người khác mà chúng ta trở thành vô lậu (không khổ) được.
Vô lậu là tâm không có khổ khi quả xảy ra như vợ chết, chồng chết, cha mẹ chết, con chết, mất việc, ốm đau, bệnh tật, v.v.. và đặc biệt thân này chết.
Người cư sĩ chúng ta xả tâm đến giai đoạn này là HÓA SANH (tâm tương ưng) NIẾT BÀN.
Niết bàn là KHÁI NIỆM chỉ cho TRẠNG THÁI TÂM không bị trói buộc bởi nội thân (thân kiến, ngã mạn) và ngoại cảnh (tham, sân). Từ tương đương với Niết Bàn là bất động tâm, vô tướng tâm giải thoát, v.v.. Hay thầy Thông Lạc gọi là tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự.
Vô tướng tâm nghĩa là tâm chúng ta không có tướng của tham, sân, si mạn nghi, tức là tâm giải thoát khỏi phiền não.
Ở ngay hiện tại, nếu chúng ta không có phiền não thì ngay đó là DIỆT ĐẾ, là niết bàn. Nhưng các duyên bên ngoài (6 trần) nó thay đổi (khen, chê, dèm pha, mất của, v.v... ) và thân ta thay đổi (bị bệnh, chết) thì TÂM KHỞI LÊN phiền não. Ngay lập tức ở đó chúng ta mất đi trạng thái thanh thản, mất đi NIẾT BÀN. Tâm mà mất đi trạng thái bình an ban đầu đó còn gọi là TÂM PHÓNG DẬT.
Cho nên, tu là PHÒNG HỘ TÂM, chúng ta phải ĐỌC TÂM MÌNH để NHIẾP PHỤC TÂM PHIỀN NÃO, HỘ TRÌ CHÂN LÝ (tâm thanh thản trở lại).
Chúng ta cứ quét tâm như vậy, gọi là trên tâm quán tâm để khắc phục tham ưu, quét xả hết phiền não thì đó là XẢ HẾT. Còn chưa hết phiền não thì còn KHỔ nơi TÂM.
Từng sát na chúng ta cứ TỈNH THỨC để ĐỌC TÂM và XẢ khi 6 căn tiếp xúc 6 trần.
Kỹ thuật (kỹ năng - Skill) xả tâm thì chúng ta nghe/ đọc ở bài kinh Đại kinh niệm xứ (Trường bộ kinh) hoặc nghe các bài pháp mà quý chư Tăng đã giảng.
Xả hết là xả được 10 kiết sử. Hàng cư sĩ chúng ta cư sĩ hướng đến xả 3 hạ phần kiết sử đầu thì khi đó mới thông tỏ đường tu, không tu sai, tức là chúng ta có Chánh kiến thì khi đó tu không có sai.
Khi chúng ta giác ngộ Tứ diệu đế là chúng ta có Chánh kiến, sống với pháp THIẾT THỰC HIỆN TẠI, hộ trì chân lý như vậy.
Sống bình thường, nhà cửa để nguyên, không bán gì cả. Các pháp này KHÔNG PHẢI LÀ NGUYÊN NHÂN CỦA KHỔ.
"Các tư duy tham ái,
Là dục của con người,
Các hoa mỹ ở đời,
Chúng KHÔNG PHẢI LÀ DỤC,
Các tư duy tham ái
Là dục của con người,
Các hoa mỹ an trú
Như vậy ở trên đời,
Ở đây những bậc Trí,
Nhiếp phục được lòng dục" [1]
Là dục của con người,
Các hoa mỹ an trú
Như vậy ở trên đời,
Ở đây những bậc Trí,
Nhiếp phục được lòng dục" [1]
Hoặc các bạn đọc bài kinh này:
"3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahà Kotthika nói với Tôn giả Sàriputta:
-- Thưa Hiền giả, có phải con mắt là kiết sử của các sắc, hay các sắc là kiết sử của con mắt?... Có phải ý là kiết sử của các pháp hay các pháp là kiết sử của ý?
- -- Này Hiền giả Kotthika, con mắt không phải là kiết sử của các sắc, các sắc không phải là kiết sử của con mắt; ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử...
Ý không phải là kiết sử của các pháp, các pháp không phải là kiết sử của ý; ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử."
(Kinh Tương ưng sáu xứ - Tập 4).
TÓM LẠI:
- Là cư sĩ, các bạn vẫn giữ nguyên công ăn, việc làm, nhà cửa, v.v..
- Xả hết, buông hết là HỌC CHÁNH KIẾN, do có CHÁNH KIẾN nên đoạn trừ VÔ MINH, khi VÔ MINH diệt thì 12 nhân duyên diệt, chúng ta giải thoát khỏi khổ.
- XẢ là khắc phục tham ưu ở bốn nơi thân, thọ, tâm, pháp, LÀ HỘ TRÌ TÂM THANH THẢN.
Sài-gòn, chiều 27.06.2020
__________
Nhận xét
Đăng nhận xét