[Món Ăn Giải Thoát] - Bài 1: THÂN CẬN BẬC THIỆN TRI THỨC

Chúng ta đọc lại lời dạy của Đức Phật:

"Như vậy, này các Tỷ-kheo, GIAO THIỆP với BẬC CHÂN NHÂN được viên mãn thời làm viên mãn nghe DIỆU PHÁP". (Phẩm Song Đôi - Chương X - Mười Pháp - Kinh Tăng Chi Bộ)
Ở đời, chúng ta muốn học Toán thì phải đi đến thầy dạy Toán để học, muốn học Anh Văn thì phải đến thầy dạy Anh Văn để học, muốn học Vật Lý thì đến thầy dạy Vật Lý để học, v.v.. Tương tự như vậy, chúng ta muốn học DIỆU PHÁP thì phải đến vị thầy đã thông suốt DIỆU PHÁP mới có thể học được.
Diệu Pháp là pháp vi diệu, pháp đưa đến đoạn trừ khổ và nguyên nhân của khổ, là pháp thiết thực hiện tại, đó chính là TỨ DIỆU ĐẾ, MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN.
Bậc chân nhân, thiện tri thức (tri thức thiện) là người đã có Chánh kiến, đã giác ngộ pháp thiết thực hiện tại Tứ Diệu Đế, Mười Hai Nhân Duyên, là những bậc hữu học đang trên bước đường hoàn thiện bản thân, đang hộ trì chân lý, có lòng tin bất động với Phật, Pháp, Tăng, Giới hoặc bậc vô học đã hoàn mãn việc tu học, đã chứng đạt chân lý, các lậu hoặc đã đoạn tận, là bậc A la hán.
Chân lý TỨ DIỆU ĐẾ thì được đức Phật và các bậc Thánh Tăng chỉ dạy rồi, chúng ta có duyên đến với đạo Phật, có duyên thân cận thiện tri thức và được giác ngộ Tứ Diệu Đế thì chúng ta là những người hữu học (có học về Bốn Chân Lý). Trên bước đường hoàn thiện bản thân này, chúng ta có thể nói cho người khác biết về Chân Lý này, chớ không phải đợi đến khi viên mãn việc tu tập rồi mới chia sẻ, như vậy sẽ biến đạo Phật thành tiêu cực. Chính vì thế mà đức Phật dạy chúng ta LÀM BẠN VỚI THIỆN hoặc thực hành TỰ LỢI và LỢI THA:
“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là LÀM BẠN VỚI THIỆN?
5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thiện nam tử sống tại làng hay tại thị trấn. Tại đấy có những Gia chủ, hay con người Gia chủ, những người trẻ được nuôi lớn trong giới đức, hay những người lớn tuổi được lớn lên trong giới đức, đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ, vị ấy giao thiệp, nói chuyện, thảo luận với những người ấy. Với những người đầy đủ lòng tin, vị ấy theo học đầy đủ lòng tin; với những người đầy đủ giới đức, theo học đầy đủ giới đức; với những người đầy đủ bố thí, theo học đầy đủ bố thí; với những người đầy đủ trí tuệ, theo học đầy đủ trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là làm bạn với thiện.
(Kinh Tăng Chi BBộ - Phẩm Đầy Đủ - HT. Thích Minh Châu dịch Việt)
Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là nam cư-sĩ thực hành VỪA TỰ LỢI, VỪA LỢI THA?
- Này Mahānāma,
(1) khi nào nam cư-sĩ tự mình thành tựu lòng tin và khích lệ người khác thành tựu lòng tin;
(2) khi nào tự mình giữ giới và khích lệ người khác giữ giới;
(3) khi nào tự mình bố thí và khích lệ người khác bố thí;
(4) khi nào tự mình muốn đi đến yết kiến các Tỷ-kheo và khích lệ người khác đi đến yết kiến các Tỷ-kheo;
(5) khi nào tự mình muốn nghe DIỆU PHÁP và khích lệ người khác nghe diệu pháp;
(6) khi nào tự mình thọ trì những pháp đã được nghe và khích lệ người khác thọ trì những pháp đã được nghe;
(7) khi nào tự mình suy nghĩ đến ý nghĩa các pháp đã thọ trì và khích lệ người khác suy nghĩ đến ý nghĩa các pháp đã thọ trì;
(8) sau khi tự mình biết nghĩa, biết pháp, thực hiện TÙY PHÁP, đúng CHÁNH PHÁP, khích lệ người khác sau khi biết nghĩa, biết pháp, thực hiện tùy pháp, đúng Chánh pháp.”
(Kinh Thích Tử Mahānāma – AN 8.25. Kinh Tăng Chi bộ - Chương Tám Pháp)
Thân cận thiện tri thức là mấu chốt của việc tu tập. Nếu chúng ta nương tựa nhầm một người không phải là bậc thiện trí thì con đường sẽ bị đi lệch hoàn toàn. Chỉ có những người có Chánh kiến, có giác ngộ Tứ diệu đế, mười hai nhân duyên thì mới trạch giảng cho người khác về các tri kiến này.
Ngược lại, một người chưa có sự giác ngộ, chưa thành tựu Chánh kiến sẽ không giảng dạy, hướng dẫn được người khác về Diệu Pháp Tứ Diệu Đế, Mười Hai Nhân Duyên để đưa đến đưa đến giải thoát khổ đau, sống an lạc trong hiện tại được.
Chúng ta nhìn quanh, rất nhiều vị thầy giảng về Phật Pháp, nhưng các thầy không có sự giác ngộ Tứ diệu đế, 12 nhân duyên. Do vậy, các vị thầy hướng dẫn Phật tử tin theo những điều không phải Phật dạy (ác tri thức) như: xem xăm, bói quẻ, cầu an, cầu siêu, cúng linh, cầu nguyện, ngồi thiền ức chế niệm khởi, hay dạy tác ý ức chế, v.v...
Một vị thầy của Đạo Phật phải dạy về Tứ diệu đế, 12 nhân duyên, đoạn diệt 12 nhân duyên khổ. Dạy về nguyên nhân của khổ là do sự trói buộc của 10 kiết sử và 5 triền cái gồm có:
-       Năm hạ phần kiết sử: thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham, sân.
-       Năm thượng phần kiết sử: sắc tham, vô sắc tham, mạn, trạo cử, vô minh.
-       Năm triền cái: tham, sân, si, mạn, nghi.

Chúng ta đến với một vị thầy không có sự giác ngộ Tứ Diệu Đế sẽ không thể giảng dạy BÁT CHÁNH ĐẠO, từ đó sẽ không thể đoạn trừ các kiết sử, các triền cái. Do không đoạn trừ các pháp này thì không thể đoạn trừ nguyên nhân của khổ đau và tuần tự chứng đạt các quả Sa môn – bốn quả giải thoát trong Đạo Phật: Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, A la hán.
Do duyên thân cận, thưa hỏi bậc thiện tri thức chúng ta mới “thông suốt những gì cần thông suốt” để rồi từ đây bước chân trên con đường giải thoát. Những điều cần phải thông suốt được chúng tôi thể hiện trong hình 1 dưới đây. Các chi phần trong hình này là những điều mà chúng ta thân cận các bậc thiện trí để hỏi, nắm rõ.
Hình 1. Tóm tắt Tứ Diệu Đế, Mười Hai Nhân Duyên
Tóm lại:
Việc thân cận thiện tri thức là điều rất quan trọng. Do duyên thân cận mà chúng ta mới học được Chánh kiến, từ đây Chánh kiến mới định hướng chúng ta trên bước đường thực hành. Do duyên thân cận thiện tri thức mà chúng ta biết sống hộ trì chân lý, hộ trì tâm thanh thản lạc trong từng phút giây bằng pháp Tứ Chánh Cần.
“—Này các Tỷ-kheo, do không giác ngộ, do không thông đạt bốn Thánh đế mà Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này. Thế nào là bốn?
Do không giác ngộ, do không thông đạt Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo, nên Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này… Thánh đế về Khổ tậpThánh đế về Khổ diệt… Do không giác ngộ, do không thông đạt Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, nên Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này.
(Kinh Tương Ưng Sự Thật) 

PHÁP THIẾT THỰC HIỆN TẠI

Giác ngộ pháp thiết thực
Hiện tại không thời gian
Hộ trì sự thật này
Niết bàn chân hạnh phúc
***
Chỉ ngay nơi hiện tại
Diệt đế chính là đây
Nơi chính nội tâm này
Hộ trì chân hạnh phúc
***
Thông suốt Tứ diệu đế
Thấu rõ Đạo, Phi Đạo
Giác ngộ Bát Niết Bàn
Chánh trí chân giải thoát
***
Không chấp thủ đời này
Không chấp thủ đời sau
Không chấp thủ hai đời
Vị ấy được giải thoát.

(Bài kệ của Sư Tánh Trí)

“Giác ngộ Chân lý,
Hộ trì Chân lý,
Chân lý được hộ trì
Chứng đạt Chân lý.
(Trưởng lão Thích Thông Lạc)



(Sài-gòn, 09.07.2020, Tâm Phúc)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

CHÁNH PHÁP, TƯỢNG PHÁP, MẠT PHÁP - Thầy Thích Bảo Nguyên

Kinh Ví dụ cái cưa