TÂM KHÔNG CHƯỚNG NGẠI LÀ ĐỘC CƯ
HỎI: (N.T.Đ) Con có cảm giác đời sống độc bộ độc hành của sư cô, cách chọn Online để chia sẻ pháp như sư cô có lẽ hợp với con hơn. Nhưng liệu như thế việc giữ giới luật có trọn vẹn khi không có sự giám sát và tâm nếu nhập thế sâu thì có bị động không?
TRẢ LỜI:
Kính gửi chú N.T.Đ!
Bởi nhiều người hiểu Phật pháp theo kiểu tu luyện, nên dính mắc rất nhiều ở chỗ độc cư. Chú không thấy Thầy Thông Lạc dạy sao: “Chỗ tâm không chướng ngại là độc cư”, “Chỗ sống không làm khổ mình khổ người là độc cư”.
Từ xưa đến nay, bao nhiêu người lên rừng xuống biển, cất thất, lập am, họ nghĩ như vậy mới là tu, nhưng có mấy ai chứng đạo? Vì sao vậy?
Bởi vì họ không hiểu tu hành là gì và chứng đạo là gì?
Ở đời người ta thường hiểu tu là vào chùa cạo đầu, mặc áo tu sĩ, hoặc vào nơi thanh vắng thì mới gọi là tu tập, đó là sự hiểu biết sai lệch về sự tu hành.
Tu theo Đạo Phật có nghĩa là sửa đổi những thói hư tật xấu, sửa đổi những hành động ác để không làm khổ mình khổ người, chỗ không làm khổ mình khổ người là giải thoát là chứng đạo.
Hành động của chúng ta xuất phát từ thân khẩu ý, do vậy muốn không làm khổ mình khổ người thì phải tĩnh giác trên thân hành, khẩu hành, ý hành để ngăn và diệt những hành động ác.
Vì thế mà Thầy Thông Lạc dạy: “Sống là tu, tu là sống”, tức là dạy chúng ta tu tập trong mỗi hành động, việc làm chứ không phải đợi vào thất mới gọi là tu tập.
Hễ thân, khẩu, ý động dụng hành động gì là phải tu ngay trên hành động đó để làm thiện, nói thiện và nghĩ thiện, tu như vậy mới thực tế, mới giải thoát.
Cho nên phải trên hành động hàng ngày mà tập tĩnh giác thì sự tĩnh giác đó mới thực tế, trên mỗi đối tượng tiếp xúc mà quán xét suy tư không để tâm khổ đau thì tri kiến mới trở nên sắc bén, thấm nhuần Định vô lậu.
Khi sống trong mọi hoàn cảnh, làm mọi sự việc mà tâm không chướng ngại tức là tâm không bị ác pháp tác động, không bị ác pháp tác động nên không làm khổ mình khổ người, không làm khổ mình khổ người chính là giới luật trọn vẹn.
Cho nên, giới luật của Đạo Phật là đạo đức không làm khổ mình khổ người, chứ không phải là giới điều cho có vẻ khắc khổ, hình thức, lánh trần, thoát tục.
Tu tập có nhiều giai đoạn, giai đoạn phòng hộ và xả ly thì tu ở đâu cũng được, chứ không phải ở trong thất. Chỉ có giai đoạn Thiền định thì cần độc cư không tiếp duyên mà thôi.
Thật sự thì tu tập trong cảnh động rất quan trọng và rất căn bản, nhưng nhiều người thấy khó vì sức tĩnh giác của họ thấp, nên trước cảnh động của vợ con, gia đình, công việc, … họ bị rối, bị động nên không xả tâm được, vì không xả tâm được nên họ bảo là tu tại gia khó, nhưng họ không biết rằng khó là do họ không biết tu chứ biết tu thì đâu có khó? Bằng chứng là Thầy Thông Lạc đã dạy mọi người hãy tu có đối tượng trong cảnh động trước và Thầy còn dạy: “Một năm tu trong động bằng mười năm tu trong thất”.
Cho nên, hàng ngày khi làm việc gì mà tâm biết việc đó, luôn Chánh Niệm Tĩnh Giác để xả tâm ly dục ly ác pháp đó là tu tập.
Về việc nhập thất, khi nào trước cảnh động mà tâm mình bất động thì mới nên bước vào cảnh tịnh để tu tập rốt ráo.
Đối với Nguyên Thanh thì Thầy Thông Lạc dạy: “Mỗi năm con nên vào thất 6-7 tháng, nếu nhập thất mà tu chưa xong thì nên ra khỏi thất xả tâm cho sạch”, và Nguyên Thanh đã thực hiện việc này bao nhiêu năm nay, năm nào cũng nhập thất tu từ 6 đến 7 tháng cho tới khi nào tu xong, trừ năm nay (2019) Nguyên Thanh không vào thất dài ngày vì do duyên cộng tác bảo tồn Thư viện Thầy Thông Lạc.
Tu hành cũng như việc học tập, phải đi từ thấp đến cao và học tập không ngừng. Ví dụ, có một cháu bé còn nhỏ tuổi nếu cháu không học lớp 1, lớp 2, … mà ngồi đó nói rằng: Sau này lớn lên con sẽ vào Đại học để trở thành Bác sĩ thì đó là sự mơ mộng thiếu thực tế, vì nếu cháu không học phổ thông thì làm sao mà cháu đủ kiến thức để học làm Bác sĩ?
Đối với Đạo Phật sự tu là một cuộc sống, một hành động sống không làm khổ mình, khổ người.
Người nào sống không làm khổ mình khổ người thì đó chính là đang tu tập theo Đạo Phật.
Ai hiểu được như vậy thì không phải đợi 5 năm, 10 năm, … mới đi tu, mà ngay trong hiện tại thực hiện “sống là tu, tu là sống” thì kết quả giải thoát ngay liền, vì pháp đến để mà thấy mà trải nghiệm đưa lại cuộc sống thanh thản, hạnh phúc và bình an, đó không phải là giải thoát hay sao?
P/s: Hiện tại do nhân duyên chú Minh Đức (Phan Tuấn Phúc) mời Nguyên Thanh bảo tồn di sản của Trưởng lão Thích Thông Lạc, bậc tu chứng dựng lại chánh pháp của Đức Phật, nhận thấy đây là một công việc ý nghĩa và rất cần thiết, nên Nguyên Thanh cộng tác làm công việc này với BBT, chứ không phải ngẫu nhiên mà Nguyên Thanh tiếp duyên trên facebook.
Nhận xét
Đăng nhận xét