[Món Ăn Giải Thoát] - Bài 3: NHƯ LÝ TÁC Ý
Chúng ta cùng đọc lại lời Phật dạy:
“LÒNG TIN được viên mãn, thời làm viên mãn
NHƯ LÝ TÁC Ý”
Hoặc:
“ -- Này các Tỷ-kheo, Ta giảng sự
diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải cho người
không biết, cho người không thấy. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự diệt tận
các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy: có như lý tác ý và không
như lý tác ý. Này các Tỷ-kheo, do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh
được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng. Này các Tỷ-kheo, do
như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh
được trừ diệt.” (Kinh Tất Cả Lậu Hoặc – Trung Bộ Kinh).
Lòng tin là Tín Căn, chúng tôi đã giải thích
ở bài 2 rồi. Ở đây chúng ta cần phải hiểu rõ các khái niệm:
- Như Lý Tác Ý.
- Lậu Hoặc.
NHƯ LÝ TÁC Ý là Như Lý Sự Thật các pháp mà Tác Ý, dẫn tâm về sự thật
các pháp và tác ý để xả các lậu hoặc, các phiền não, tham, sân, si, mạn, nghi;
xả chướng ngại pháp, xả tham ưu để đưa tâm về giải thoát là tâm thanh thản, an
lạc ở ngay hiện tại khổ đó, để không còn chịu sự chi phối của các dục và ác
pháp.
Lý Sự Thật ở đây là gì? Đó là Tứ diệu đế, khổ - nguyên nhân của khổ -
trạng thái tâm thanh thản an lạc và phương cách để có trạng thái tâm thanh thản
đó. Lý sự thật là các pháp vô thường, khổ, vô ngã, những điều này ở giai đoạn
đầu thân cận thiện tri thức chúng ta đã học rồi, hiểu rồi, thông suốt rồi, giờ
có chướng duyên, nghịch cảnh, có tham ưu thì chúng ta dẫn tâm về sự thật này để
xả bỏ tham ưu. Đây chính là pháp Tứ chánh cần trên Tứ niệm xứ:
-
Trên
thân quán thân để khắc phục tham ưu;
-
Trên
thọ quán thọ để khắc phục tham ưu;
-
Trên
pháp quán pháp để khắc phục tham ưu;
-
Trên
tâm quán tâm để khắc phục tham ưu.
Pháp như lý tác ý là pháp hộ trì chân lý, hộ trì tâm thanh thản, an lạc.
Chúng ta hằng ngày quan sát từ NƠI CHÍNH BẢN THÂN MÌNH, xem xét 4 nơi thân,
thọ, tâm, pháp, có những chướng ngại pháp nào thì chúng ta dẫn tâm đến các sự
thật Khổ, Nguyên Nhân Của Khổ, Diệt Khổ và Phương Pháp Diệt Khổ, về Vô Thường,
Vô Ngã, Bất Tịnh để xả tâm phiền não ra, để đưa tâm mình về trạng thái an lạc,
bình an trở lại, đó là hộ trì chân lý. Pháp như lý tác ý là pháp thiết thực,
hiện tại. Ngay khi chúng ta xả được tâm là giải thoát tâm ở chỗ đó.
Kỹ thuật để thực hành chúng ta nên đọc kinh Đại niệm xứ - Trường Bộ Kinh,
chúng tôi nghĩ đây là bài kinh quan trọng, chúng ta nên học thuộc và suy tư
nhiều để thông hiểu và áp dụng linh hoạt cho cuộc sống của mình. Cá nhân chúng
tôi rất hoan hỷ khi nghe bài pháp Quán
Tu Tứ Niệm Xứ do thầy
Thích Bảo Nguyên giảng ngày 15/10/2017 tại núi Thị Vải.
LẬU HOẶC là khổ đau, là tập đế và khổ đế. Lậu hoặc chính là các tham sân si mạn
nghi, là các triền cái, kiết sử.
Chúng ta nên lưu ý chỗ này, lậu hoặc là các tâm tham sân si mạn nghi, các
triền cái, kiết sử chứ không phải sáu căn (thân chúng ta), sáu trần (ngoại
cảnh). Hiểu đúng như vậy thì không có khái niệm “đẩy
bệnh” bằng như lý tác ý.
Chúng ta cùng đọc lại lời Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, do như lý tác ý, các LẬU HOẶC CHƯA SANH KHÔNG SANH KHỞI,
và CÁC LẬU HOẶC ĐÃ SANH ĐƯỢC TRỪ DIỆT.”
Nếu chúng ta dẫn tâm về sự thật các pháp là khổ, vô thường,
vô ngã, bất tịnh thì các lậu hoặc sẽ không sanh khởi và các lậu hoặc đã sanh sẽ
đoạn diệt và chúng ta giải thoát khỏi khổ đau. Chỉ cần chúng ta nhìn được các
pháp vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh thì tâm chúng ta sẽ bình an. Và khi tâm
chúng ta có chướng ngại, ví dụ tâm sân, thì chúng ta dẫn tâm về sự thật khổ,
nguyên nhân của khổ để diệt: tâm sân này là tập đế, là nguyên nhân của khổ, đưa
đến khổ vì bất toại nguyện, oán tắng hội khổ, vậy ta hãy hoan hỷ, chấp nhận
nhân quả để có được tâm thanh thản, các pháp vô thường, các hành vô thường đủ
duyên thì hợp, hết duyên thì tan, ta đã học được chân lý Diệt Đế mới là quan
trọng, ta hãy kham nhẫn vượt qua. Khi chúng ta tinh tấn triển khai tri kiến như
vậy thì tâm sân sẽ dần dần muội lược, sức tỉnh thức, chánh niệm chúng ta ngày
càng tăng trưởng.
“Trong vô thường, tưởng thường.
Trong khổ, tưởng là lạc,
Trong vô ngã, tưởng ngã,
Trong bất tịnh, tưởng tịnh,
Chúng sanh đến tà kiến,
Tâm động, tưởng tà vọng,
Bị ma trói buộc chặt,
Không thoát khỏi ách nạn,
Chúng sanh bị luân chuyển,
Trong sanh tử luân hồi.
Khi chư Phật xuất hiện,
Ở đời chói hào quang,
Tuyên thuyết diệu pháp này,
Ðưa đến khổ lắng dịu.
Nghe pháp, được trí tuệ,
Trở lại được tự tâm,
Thấy vô thường, không thường,
Thấy đau khổ, là khổ,
Thấy tự ngã, không ngã,
Thấy bất tịnh, không tịnh,
Do hành chánh tri kiến,
Vượt qua mọi đau khổ.”
(Kinh Tăng Chi Bộ - Phẩm Rohitassa)
(Trích từ: Món Ăn Giải Thoát - link download: https://drive.google.com/drive/folders/1wPjTWoZR5VcK3dfU5B-5jJKs5Z0Cl_Pl)
Nhận xét
Đăng nhận xét