[Món Ăn Giải Thoát] - Bài 4: CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC

Chúng ta cùng đọc lại đoạn kinh đức Phật dạy ở Kinh tất cả các lậu hoặc – Trung bộ kinh:

 “-- Này các Tỷ-kheo, Ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc CHO NGƯỜI BIẾT, CHO NGƯỜI THẤY, không phải cho người không biết, cho người không thấy.”


Ở đây chúng ta có câu hỏi: “cho người biết, cho người thấy” là gì, ai là người biết và thấy? Ai là người không biết không thấy?

Chúng tôi hiểu rằng, người biết, người thấy ở đây là người có Chánh Niệm Tỉnh Giác, giác (biết) được cái tâm của mình đang ở đâu, đang ở tâm tham, sân, si, mạn, nghi hay đang ở trạng thái tâm thanh thản, tự nhiên, bình an.

Người không biết, không thấy là người thiếu Chánh Niệm, bị Vô Minh, triền cái ngăn che nên không thấy lậu hoặc của mình. Chính điều này mới là nguy hiểm, còn khi chúng ta thấy được tâm mình rồi thì sẽ có cách để hóa giải. Nếu chúng ta chưa/không thấy được hành động, lời nói, việc làm mình là ác thì cứ giữ nguyên những khổ đau đó và lậu hoặc không tẩy trừ được.

Cũng chính vì vậy mà chúng ta cần thân cận thiện tri thức, người có tâm thanh tịnh sẽ nhìn rõ lậu hoặc của chúng ta, rồi chỉ cho chúng ta biết, để từ đó chúng ta phản tỉnh, thay đổi, sửa đổi chính mình. Đó là một quá trình thanh lọc nhiều lần. Chúng ta giác ngộ chân lý rồi, nhưng con đường thanh lọc tâm để hoàn toàn thanh tịnh là một chặng đường dài nữa.

“Nếu thấy bậc hiền trí,

Chỉ lỗi và khiển trách,

Như chỉ chỗ chôn vàng

Hãy thân cận người trí!

Thân cận người như vậy,

Chỉ tốt hơn, không xấu.”

(Kinh Pháp cú, 76)

NHƯ LÝ TÁC Ý được viên mãn thời làm viên mãn CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC”. Càng dẫn tâm về các sự thật Tứ diệu đế, vô thường, vô ngã, bất tịnh thì chúng ta mới thấy rõ những điều thiện, bất thiện; si mê và giác ngộ.

Pháp như lý tác ý có 3 giai đoạn tu tập:

-       (1) Giai đoạn tầm, tứ.

-       (2) Giai đoạn không tầm, tứ.

-       (3) Giai đoạn không tầm, không tứ.

“Tầm” chính là chánh kiến, chánh tư duy. “Tứ” là tác ý, nhắc tâm, là hành động thân, khẩu ý từ bỏ những điều ác.

Chúng ta phải học và quán (suy tư) để cho thông suốt các pháp dần dần, làm cho xung mãn tri kiến về Tứ Diệu Đế, 12 nhân duyên, đường đi nhân quả, thân ngũ uẩn, các pháp vô thường, vô ngã, v.v... thì pháp như lý tác ý mới hiệu quả.

Theo chúng tôi, thì chúng ta cũng không cần quá quan tâm đến giai đoạn (2-3) đâu, vì đó là kết quả của giai đoạn (1). Giai đoạn (1) chính là pháp Tứ Chánh Cần.

Chúng ta cùng đọc lời dạy sau của Thầy Thích Thông Lạc trong pháp âm Thiền Căn Bản:

“Pháp hướng tâm như thế nào? Pháp hướng tâm là pháp dẫn tâm vào một lý chân chính, giải thoát của đạo. Pháp chân chính giải thoát của đạo là gì? Pháp chân chính giải thoát của đạo là chỉ thẳng vào mọi duyên, mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng, mọi sự việc xảy ra đều hiểu biết rõ nó là vô thường, khổ, và không có thực thể bản ngã trong đó; do các duyên hợp lại mà thành, và duyên tan là mất hết, không còn có cái gì tồn tại. Khi đã hiểu rõ như vậy và thấy rõ như thật, thì dùng Pháp hướng mà nhắc tâm như vầy:

1. “Cái tâm từ đây về sau không được kiến chấp các duyên là thật, mà phải thấy nó vô thường, khổ, vô ngã.” Nên không còn phiền não, đau khổ trong tâm không còn nữa.

2. “Các duyên tan hợp theo nhân quả, diễn biến luân hồi nên không có thật thể bản ngã, toàn là vô thường, khổ, vô ngã. Vậy từ đây về sau cái tâm không được chấp duyên là ngã, mà hãy bỏ xuống đi, không còn được giận hờn, phiền não, đau khổ.” 

3. “Đời sống của con người là duyên tan hợp của nhân quả, cho nên không có bản ngã chân thật, toàn là vô thường và đau khổ. Vậy từ đây cái tâm phải bỏ xuống, không được chấp cái ta nữa, vì chấp cái ta là tạo thêm đau khổ và ác pháp trong tâm.”

4. “Ai theo các duyên nhân quả, tạo ác, là phải thọ lấy cái quả khổ, ta không dại gì đem khổ vào thân. Từ nay, cái tâm hãy bỏ xuống đi để được an vui, thanh thản.”

Chúng ta cùng đọc kỹ lại chỗ này: Khi đã hiểu rõ như vậy và thấy rõ như thật rồi mới trạch câu tác ý nhắc tâm như trên thì tâm sẽ xả được các phiền não, tham ưu.”

Tóm lại:

- Bước 1: Chúng ta cần thấy được phiền não, tham ưu.

- Bước 2: Dẫn tâm về sự thật Tứ diệu đế, Khổ, Vô ngã, Bất tịnh.

(Trích từ: Món Ăn Giải Thoát - link download: https://drive.google.com/drive/folders/1wPjTWoZR5VcK3dfU5B-5jJKs5Z0Cl_Pl)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

CHÁNH PHÁP, TƯỢNG PHÁP, MẠT PHÁP - Thầy Thích Bảo Nguyên

Kinh Ví dụ cái cưa