[BÌNH AN NGAY HIỆN TẠI] 7.1 BUÔNG XUỐNG ĐI

Chúng ta đọc sách Thầy Thông Lạc sẽ có các bài kệ Buông Xuống Đi. Vậy buông xuống cái gì và buông như thế nào?

“Buông xuống đi, hãy buông xuống đi!

Chớ giữ làm chi, có ích gì?

Ôm vào đau khổ vô cùng tận,

Buông xuống ngay liền vạn khổ đi!”

Buông xuống ở đây không phải bỏ nhà cửa, bỏ bê công việc, hay bán nhà, bỏ vợ, bỏ con đi vào chùa, lên núi, vào nơi yên tĩnh để ở.

Buông xuống là chúng ta buông cái Khổ và Nguyên nhân của Khổ xuống. Ở ngay HIỆN TẠI chúng ta có những cái khổ gì nơi tâm thì chúng ta buông xuống, và khi đó còn lại tâm thanh thản, an lạc.

Buông xuống ở đây là buông xả các tham ưu, sầu khổ bằng pháp Tứ chánh cần trên tứ niệm xứ:

- Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu.

- Trên thọ quán thọ để khắc phục tham ưu.

- Trên tâm quán tâm để khắc phục tham ưu.

- Trên pháp quán pháp để khắc phục tham ưu.

Buông xuống là trên tâm của chúng ta có những tham ái, sân hận, ưu bi, sầu khổ, phiền muộn, lo lắng, sợ hãi, hơn thua, tị hiềm, v.v... Nói chung là những tham ưu ở đời, chúng ta buông bỏ xuống!

Buông xuống là buông nguyên nhân của khổ: buông bỏ vô minh, tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng,…

Buông xuống là bẻ gãy 12 nhân duyên Khổ.

Buông xuống là buông 5 hạ phần kiết sử (thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham, sân) và 5 thượng phần kiết sử (sắc tham, vô sắc tham, trạo cử, vô minh, mạn).

Buông xuống là buông dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu.

Buông xuống là trước sống trong tiếc nuối quá khứ, mong cầu tương lai nay sống trong hiện tại, chánh niệm tỉnh giác, khắc chế tham ưu, trú tâm an lạc.

Buông xuống là buông bỏ những ác nghiệp xuống, không có làm nữa, và buông bỏ những điều lành, điều thiện, những công phu tu tập xuống – không có chấp thủ, hướng về Niết Bàn.

Buông xuống là xả khổ, xả lạc, xả niệm thanh tịnh.

Chúng ta cần phải hiểu rõ như vậy, chứ không chúng ta buông sai là đau khổ xảy ra. Buông xuống là một quá trình, một tuần tự đoạn trừ các kiết sử, phiền não. Chứ nếu chúng ta hiểu sai, có người bán hết nhà cửa rồi sau đó không có nơi ở để sinh sống. Rồi chúng tôi cũng gặp một số cư sĩ mới có gia đình, con nhỏ mà bố đòi bỏ đi tu, cứ mong ước cho con đủ 18 tuổi để đi tu. Mong cầu tương lai xa xôi quá! Sao không chuyển hóa ngay hiện tại, sống bình an thanh thản giữa cuộc đời sóng gió? Pháp Phật là đối diện với sự thật khổ ngay hiện tại và chuyển hóa nó. Chúng ta làm cho cuộc sống bình an, thanh thản ngay hiện tại.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

CHÁNH PHÁP, TƯỢNG PHÁP, MẠT PHÁP - Thầy Thích Bảo Nguyên

Kinh Ví dụ cái cưa