BỐN LOẠI THỨC ĂN

 Bốn loại thức ăn


Câu hỏi của Thầy Chơn Thành

Hỏi:

Kính bạch Thầy! Xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy cho chúng con những điều sau đây:

Trong nẻo thứ năm của Đạo Đế là Chánh Mạng. Thầy mới giảng tóm tắt về bốn loại thức ăn:

1-   Đoàn thực loại thô hay loại tế.

2-   Xúc thực.

3-   Tư niệm thực.

4-   Thức thực.

Chúng con xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy cụ thể và những chi tiết bốn loại thức ăn này. Để chúng con theo đó mà hành trì.

Đáp:

Theo Phật giáo để thực hiện Chánh Mạng thì có bốn cách nuôi thân mạng:

1.   Đoàn thực còn gọi là đoạn thực, đoạn thực có nghĩa là cách ăn, chia ra từng đoạn, từng miếng, từng phần thường dùng tay, đũa, nĩa, dao, muỗng v.v.. Cách thức ăn uống này thường dùng mũi, lưỡi, làm thể để ăn các món ăn.

2.   Xúc thực còn gọi là lạc thực, lạc thực có nghĩa là cách ăn bằng sự cảm xúc vui buồn.

Ví dụ: Trong khi vui mừng, thấy mình no, hoặc khi buồn rầu, lo lắng, sợ hãi, tức giận, cũng cảm thấy mình no; trong khi xem hát, nghe nhạc hoặc xem bóng đá cả ngày chẳng thấy đói. Như vậy lấy chỗ tâm mình cảm xúc mà làm thể ăn.

3.   Tư thực còn gọi là niệm thực. Tư có nghĩa là tư duy, suy nghĩ; thực có nghĩa là ăn. Tư thực có nghĩa là cách thức ăn bằng ý nghĩ suy tư, đó là cách thức ăn bằng ý thức tư duy.

Ví dụ: Một người đang đói, họ nghĩ đến bữa cơm, canh, thực phẩm thơm ngon, sự tư duy nghĩ về ăn uống như vậy là tư thực. Lâu ngày không ăn phở khởi tâm muốn ăn phở nên suy tư về tô phở, đó là tư thực. Trong thời Tam Quốc khi Tào Tháo xua quân đi đánh giặc, ngang qua một sa mạc quân lính khát nước, Tào Tháo bảo: “Phía trước có một rừng me và trái me rất nhiều, chúng ta hãy tiến quân đến đó ăn me sẽ đỡ khát nước”.Quân sĩ nghe đến me nên nước miếng tiết ra nhiều khiến cho quân lính không còn thấy khát nước nữa nên quân lính Tào Tháo vượt khỏi sa mạc, đó là nhờ tư thực.

4.   Thức thực là cách thức ăn bằng ý thức, khi ý thức khởi ham thích cái này cái nọ cái kia, đó là thức thực.

Ví dụ 1: Ý thức khởi thèm muốn ăn bánh trung thu, thèm muốn ăn tức là thức thực.

Ví dụ 2: Ý thức khởi ham muốn một chiếc xe hơi, ham muốn chiếc xe hơi tức là thức thực. Khi chúng ta khởi tâm ham muốn một điều gì, một vật gì, một món ăn gì, ngay đó là chúng ta đang thức thực.

Đối với đạo Phật được xem bốn sự ăn uống này là ác pháp, là bất tịnh, là khổ đau, là trói buộc. Người tu hành theo Phật giáo cần phải quán xét nhàm chán trên bốn sự ăn uống này. Người đời không biết tu tập nên chạy theo bốn sự ăn uống này, nên suốt đời thọ lấy biết bao nhiêu điều khổ đau, từ đời này sang đời khác.

Người tu sĩ đạo Phật cần phải cảnh giác, cần phải tu tập, cần phải quán xét và cần phải sanh tâm nhàm chán trong bốn sự ăn uống này.

Tóm lại, bốn sự ăn uống này là bất tịnh uế trược, là ô nhiễm, là hôi thối bẩn thỉu. Người tu hành theo Phật giáo cần phải từ bỏ, cần phải xa lìa. Ai cũng biết: “Ăn để sống, chứ không phải sống để ăn”. Quý vị nên nhớ kỹ: Đừng để những loại ăn uống này làm ô nhiễm thân tâm chúng ta. Phải không quý vị?

(Trưởng lão Thích Thông Lạc, Đường Về Xứ Phật, tập 9, Nxb Tôn Giáo, 2010)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

CHÁNH PHÁP, TƯỢNG PHÁP, MẠT PHÁP - Thầy Thích Bảo Nguyên

Kinh Ví dụ cái cưa