[BÌNH AN NGAY HIỆN TẠI] Bài 15. NHÌN ĐỜI BẰNG ĐÔI MẮT NHÂN QUẢ

Tri Kiến Nhân Quả là tri kiến quan trọng của Đạo Phật. Đường đi nhân quả chỉ có những bậc chứng đạo như Đức Phật mới thông suốt, và Đức Phật sau khi thông suốt đã chỉ dạy cho chúng ta. Có hai nẻo, đó là nhân quả lành và nhân quả ác, tương ứng 10 điều lành và 10 điều ác. Bài viết này trình bày một số vấn đề về nhân quả.

15.1 Đường đi nhân quả con người

Để nhìn đời bằng đôi mắt Nhân Quả thì bước đầu tiên chúng ta phải có Tri Kiến Nhân Quả. Để có Tri kiến nhân quả chúng ta phải Thân Cận bậc Chân Nhân, nghe những Lời Dạy của Đức Phật, của chúng Thánh Tăng về con đường đi của nhân quả con người. Bởi chỉ có các bậc giải thoát mới thông tỏ con đường nghiệp báu, nhân quả. Chúng ta đặt trọn niềm tin ở Đức Phật và ở các bậc Thánh Tăng.

Để học về Nhân Quả con người chúng ta đọc kinh Tiểu nghiệp phân biệt, Kinh Chánh tri kiến, đọc sách Sống Mười Điều Lành.

“(Thiện và bất thiện)

-- Chư Hiền, khi Thánh đệ tử tuệ tri được bất thiện và tuệ tri được căn bổn bất thiện, tuệ tri được thiện và tuệ tri được căn bổn thiện, chư Hiền, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin Pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này.

Chư Hiền, thế nào là bất thiện, thế nào là căn bổn bất thiện, thế nào là thiện, thế nào là căn bổn thiện? Chư Hiền, sát sanh là bất thiện, lấy của không cho là bất thiện, tà hạnh trong các dục là bất thiện, nói láo là bất thiện, nói hai lưỡi là bất thiện, ác khẩu là bất thiện, nói phù phiếm là bất thiện, tham dục là bất thiện, sân là bất thiện, tà kiến là bất thiện. Chư Hiền, như vậy gọi là bất thiện.

Và chư Hiền, thế nào là căn bổn bất thiện? Tham là căn bổn bất thiện, sân là căn bổn bất thiện, si là căn bổn bất thiện. Chư Hiền, như vậy gọi là căn bổn bất thiện.

Và này chư Hiền, thế nào là thiện? Từ bỏ sát sanh là thiện, từ bỏ lấy của không cho là thiện, từ bỏ tà hạnh trong các dục là thiện, từ bỏ nói láo là thiện, từ bỏ nói hai lưỡi là thiện, từ bỏ ác khẩu là thiện, từ bỏ nói phù phiếm là thiện, không tham dục là thiện, không sân là thiện, chánh tri kiến là thiện. Chư Hiền, như vậy gọi là thiện.

Chư Hiền, thế nào là căn bổn thiện? Không tham là căn bổn thiện, không sân là căn bổn thiện, không si là căn bổn thiện. Chư Hiền, như vậy gọi là căn bổn thiện.

Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri bất thiện như vậy, tuệ tri căn bổn bất thiện như vậy, tuệ tri thiện như vậy, tuệ tri căn bổn thiện như vậy, khi ấy, vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên, tẩy sạch sân tùy miên, nhổ tận gốc kiến mạn tùy miên “Tôi là”, đoạn trừ vô minh, khiến minh khởi lên, diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại. Chư Hiền, như vậy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin Pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này.”

(Kinh Chánh Tri Kiến – Trung Bộ Kinh)

Chúng ta có thể đọc các bài làm của các tu sinh về Đường đi nhân quả con người ở lớp Chánh Kiến.

Chúng ta có thể học thuộc bài kệ kinh Tiểu nghiệp do Sư cô Trí Hải tóm tắt:

“Phật dạy các hữu tình
Là chủ nhân của nghiệp
Là thừa tự của nghiệp.
Nghiệp phân chia hữu tình:

Chết yểu do giết hại
Không có tâm từ bi

Sống lâu do tâm từ
Và không ưa giết hại

Không não hại chúng sinh
Là nguyên nhân ít bệnh.

Thường não hại chúng sinh
Ðưa đến nhiều bệnh tật.

Người tướng mạo xinh đẹp
Do không hận không sân

Người tướng mạo xấu xí
Là do nhiều phẫn nộ

Nguyên nhân có uy quyền
Là không lòng ganh tị
Với người đáng tôn kính

Ít uy quyền là do
Cái thói ưa ganh tị.

Giàu có do bố thí
Nghèo do không cúng dường

Sinh dòng họ cao quý
Do kính người đáng kính

Vào gia đình hèn hạ
Do ngạo mạn kiêu căng

Làm người có trí tuệ
Do thường gần bậc trí
Ðể học hỏi nghĩa lý

Làm người mà ngu đần
Là do không học hỏi
Thân cận các sa môn.

Hiện tại như thế nào
Ðều do trong quá khứ
Ðã đi trên con đường
Dẫn đến tình trạng ấy.

Khi nghe Phật dạy xong
Thanh niên Tô-đây-gia
Xin quy y đức Phật,
Pháp và Tỷ kheo tăng.”

(Sư cô Trí Hải tóm tắt)

15.2 Nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả - nhìn vào bên trong

Nhìn vào bên trong là nhìn vào các hành của chúng ta gồm có: Thân hành, Khẩu hành, Ý hành.

Nếu Hiện tại ta đang chịu quả khổ nghiệp nào đó như bệnh tật, mất mát tài sản, nghèo khó, v.v... thì chúng ta hiểu quá khứ mình đã tạo tác nghiệp Bất thiện tương ứng, và nay ta cố gắng đoạn trừ.

Nếu hiện tại ta có những thành tựu quả lành nào như giàu có, xinh đẹp, thông minh, v.v... thì ta cũng biết đó là Nhân quả. Và ta không có chấp vào những điều này, vì nhân quả vô thường, mình phải tiếp tục tạo tác hành thiện để có cuộc sống an vui.

Khi tâm ý chúng ta khởi lên một niệm, nếu đó là tâm sân thì chúng ta biết chúng ta đang đọa xứ vào cảnh giới a tu la. Chúng ta biết đây là cảnh Khổ, chúng ta nhanh chóng xả bỏ tâm này để thoát ra khỏi cảnh a tu la. Khi chúng ta nhìn và biết được đây là khổ thì sẽ chuyển hóa được bằng pháp Như Lý Tác Ý : “ta là chủ nhân của nghiệp, nếu tâm sân giận này thật là bất lợi cho ta, phải đọa xứ cõi a tu la, xấu xí. Ta phải từ bỏ tâm sân giận này, tâm phải hoan hỷ với các pháp”. Ví dụ câu tác ý vậy, tùy theo mỗi người thiện xảo tác ý.

Khi tâm chúng ta khởi lên niệm gièm pha, v.v... chúng ta biết đây là ác giới, phải xả ra.

Khi chúng ta khởi lên niệm tha thứ, thương yêu, chúng ta biết đây là niệm lành, niệm thiện, chúng ta cứ phát triển niệm này.

Khi chúng ta khởi lên một tri kiến giải thoát nào đó, ví dụ niệm khởi về các pháp đều là vô thường, chúng ta biết đây là niệm lành, niệm thiên, do vậy chúng ta tăng trưởng, v.v...

Trong kinh Tứ Niệm Xứ Đức Phật dạy quán tâm:

“Này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm?

Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo, với tâm có tham, tuệ tri: “Tâm có tham”; hay với tâm không tham, tuệ tri: “Tâm không tham”. Hay với tâm có sân, tuệ tri: “Tâm có sân”; hay với tâm không sân, tuệ tri: “Tâm không sân”. Hay với tâm có si, tuệ tri: “Tâm có si”; hay với tâm không si, tuệ tri: “Tâm không si”. Hay với tâm thâu nhiếp, tuệ tri: “Tâm được thâu nhiếp”. Hay với tâm tán loạn, tuệ tri: “Tâm bị tán loạn”. Hay với tâm quảng đại, tuệ tri: “Tâm được quảng đại”; hay với tâm không quảng đại, tuệ tri: “Tâm không được quảng đại”. Hay với tâm hữu hạn, tuệ tri: “Tâm hữu hạn”. Hay với tâm vô thượng, tuệ tri: “Tâm vô thượng”. Hay với tâm có định, tuệ tri: “Tâm có định”; hay với tâm không định, tuệ tri: “Tâm không định”. Hay với tâm giải thoát, tuệ tri: “Tâm có giải thoát”; hay với tâm không giải thoát, tuệ tri: “Tâm không giải thoát”.”

Ứng với mỗi tâm chúng ta câu hữu với các cõi giới của tâm để xả bỏ đi những tâm xấu ác, vì đó là tâm bất thiện, đọa xứ, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, và tăng trưởng những tâm thiện lành như từ, bi, hỷ, xả, tri kiến vô thường, vô ngã, v.v...

15.3 Nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả - nhìn ra ngoài

Khi nhìn ra bên ngoài, tiếp xúc 6 trần, nếu khởi lên niệm nào chúng ta Tỉnh giác để nhận diện các Kiết sử sanh khởi. Nếu tâm khởi lên sân, tham, si thì phải xả ra. Đó là phòng hộ sáu căn, tương tự như ở trên.

Đức Phật dạy:

“Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với sáu nội ngoại xứ? Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo tuệ tri con mắt và tuệ tri các sắc, do duyên hai pháp này, kiết sử sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy.”

Nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả là nhìn thấy hành nghiệp của chúng sanh đang đi vào từng cảnh giới của tâm: chư thiên, người, trời, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Ví dụ :

Nhìn thấy người đang sân giận, đó là a tu la.

Nhìn thấy người bố thí, từ bi, hỷ xả, đó là chư thiên.

v.v...

15.4 Pháp câu hữu (liên kết)

Khi nhìn ra Nhân Quả khổ, hạnh phúc của mình và mọi người thì chúng ta trạch ra các pháp tu trong 37 phẩm trợ đạo để tu, ví dụ như pháp Tứ Vô Lượng Tâm.

Thấy người sân giận, chúng ta thương họ vì họ đang sống cảnh a tu la.

Thấy người đói ăn, khát uống chúng ta thương họ vì họ đang sống trong cảnh súc sanh.

Thấy người bố thí, trì giới, cúng dường chúng ta hoan hỷ với họ vì họ đang sống trong cảnh chư thiên.

v.v...

Cái nhìn bằng Tri Kiến Nhân Quả là cái nhìn đúng chân tướng các pháp, là cái nhìn Chánh Kiến. Với cái nhìn bằng Nhân Quả chúng ta chuyển hóa toàn bộ khổ đau thành an vui, hạnh phúc, các ác pháp hay thiện pháp đến đều được hóa giải.

Nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả đó là nhìn mới đôi mắt Chánh kiến. Khi Chánh kiến có mặt thì Si được đoạn trừ, tâm tham, sân không có cơ hội sanh khởi; nếu nó sanh khởi thì sẽ đoạn diệt.

Do có cái nhìn THẤY NHÂN QUẢ đó mà tâm ta không phiền não, không thấy lỗi người và đồng thời giúp chúng ta tăng trưởng thiện pháp, đưa đến thành tựu 10 điều lành.

Thầy Thông Lạc dạy: Muốn sống cuộc đời an vui, đầy hạnh phúc thì hãy nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả thiện ác.

Chúng ta nhìn thấy nhân quả và câu hữu với tứ vô lượng tâm, câu hữu với Tứ diệu đế (nhìn thấy khổ và nguyên nhân của khổ) thì tâm chúng ta không chướng ngại, không có đau khổ nơi tâm ta. Còn chúng ta nhìn đời với đôi mắt phán xét, đánh giá, nhìn lỗi người thì sẽ khổ đau:

"Con người sống trong thế gian này ít khi chịu khó phản tỉnh (soi lại) thân hành, khẩu hành, ý hành của mình mà thường phản tỉnh thân hành, khẩu hành, ý hành của người khác. Do đó, mọi người đã tự làm khổ mình khổ người, khổ cả hai" - Thầy Thích Thông Lạc.

“Ai thấy lỗi của người,

Thường sanh lòng chỉ trích,

Người ấy lậu hoặc tăng,

Rất xa lậu hoặc diệt.”

(Kinh Pháp cú, 253)

Ở đây chúng ta không phải là không thấy lỗi người, nếu chúng ta không thấy là chúng ta vô minh, nhưng thấy mà chỉ trích là tâm phiền não; thấy nhưng thấy với Chánh kiến là nhân quả, thấy các hành vô thường, thấy với tâm câu hữu từ bi hỷ xả thì tâm chúng ta mới mát mẻ, an lạc.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

CHÁNH PHÁP, TƯỢNG PHÁP, MẠT PHÁP - Thầy Thích Bảo Nguyên

Kinh Ví dụ cái cưa