XẢ TÂM


[“…Tóm lại, bản chất tu hành là xả tâm, chứ không phải là ly vật dụng, muốn vậy chị hãy sống đúng 5 tiêu chuẩn đạo đức làm người, triển khai tri kiến giải thoát để phòng hộ, xả ly trong mọi hoàn cảnh, trước mọi đối tượng, rồi dùng pháp Như Lý Tác Ý để đoạn trừ chướng ngại tham, sân, si, nhờ đó mà ý thức lực ngày càng mạnh mẽ, thúc đẩy chị theo đúng quỹ đạo giải thoát và bước đi trên đường về xứ Phật như cánh chim bằng thênh thang bay vút tận trời xa.”]



HỎI: (T.H) Kính chào sư cô! Con xin cô một lời khuyên: Con tu đã được hơn 6 năm, ngày nào con cũng dậy mở cửa cho em bán cau thuê của nhà con để bán hàng 5h30 rồi con đạp xe lên hồ Hoàn Kiếm chánh niệm và xả tâm tham, sân, si... tới 8h30 con đạp về thổi cơm, ăn cơm một mình, rồi ngồi thư giãn đi nghỉ trưa… 2h con đọc sách Thầy, hoặc ngồi tư duy 1 đề tài cần xả 3h30 con đạp xe ra vườn hoa thư giãn... 6h con về, 7h tới 9h30 con ngồi chơi vô sự. Đường đông thì con nhường mọi người, thấy rác thì con lượm trong vô sự, ồn thì con quay vào trên thân, mùi xào nấu thì con lảng tránh lên trên trần, khởi tâm thương người xào nấu và con vật. Tiền thì con nhường cho chị và em con. Tháng thì con thọ bát 2 ngày, hộ thất 1 ngày. Con sống 5 giới + nằm đất, không trang điểm, 4 bộ (2 bộ tu + 2 bộ áo sơ mi kẻ). Con ưa sống một mình, quét sân khu tập thể, đạo đức vệ sinh môi trường, lượm gạch, kính vỡ bảo vệ giao thông, hộ trì chánh pháp lớp dạy đạo đức... Con thấy an ổn. Cuối năm 2020 con vào một trú xứ tu hành xin ở hẳn, họ giao cho con nhà khách vừa làm vừa tu... được một tháng con thấy mệt nên con xin về. Trong suốt 2020 con xả hết những gì còn dính mắc là thích mặc đẹp, đi chơi nhìn mây trời sông nước, con xả đi chơi cùng bạn dù là đồng tu, xả ái sắc dục, xả uống trà, cà phê. Con thấy các pháp đều là khổ, có rồi biến hoại vô thường, không thật tướng, vô ngã và đặc biệt con hay quán bất tịnh, con sống sạch sẽ, gọn gàng ngăn nắp. Con vốn làm một hướng dẫn viên du lịch quốc tế 18 năm đã đi 9 nước. Giờ con không còn ham muốn đi lại tham quan. Tu theo pháp Phật con luôn sống trên thân thật hạnh phúc. Giờ con tính con nên vào ở một thời gian để thay đổi không khí và trong từ trường thiện sau đó con tính sau. Con ở đâu lâu lâu là con cần đi lại một chút. Cô có kinh nghiệm con xin cô khi nào rảnh bớt chút thời gian cho con một lời khuyên. Con kính biết ơn sư cô! Nam mô Bổn sư Thích Thông Lạc!


TRẢ LỜI:

Kính gửi chị T.H!

Đọc thư chị thì Nguyên Thanh thấy chị có phước duyên lớn gặp được chánh pháp và muốn trở thành một bậc chân tu, nhưng chị không nói rõ chị gặp chướng ngại cụ thể nào, chỉ trình bày cách sống và sự tu tập thấy ổn ổn. Có lẽ chị muốn hỏi nên sống và tu tập như thế nào cho đúng với hoàn cảnh của chị, phải không?

Những hành động mà chị mô tả trong nếp sống hàng ngày của chị là những hành động thiện, cơ bản không có gì sai cả, nhưng dường như chị đang cố bê cách sống “trong chùa”, thậm chí có hành động hơi thái quá (như việc nằm đất) vào nếp sống thường nhật, trong khi chị vẫn còn thực hiện những hành vi giao tiếp xã hội bình thường.

Theo lời kể của chị, phần nhiều là những hành động tiết chế bản thân như giảm ăn, giảm mặc, giảm làm việc… nhưng chưa làm nổi bật được bản chất của sự tu hành ở trong đó, chỉ mới na ná mà thôi. Muốn trở thành bậc chân tu thì phải sống đúng với cái cốt lõi tu hành, chứ không thể chỉ na ná được. Vì sự tu hành na ná thì rất nhiều, hàng ngàn, hàng vạn người, nhưng đúng tư tưởng đạo đức giải thoát của Đức Phật và Trưởng lão Thích Thông Lạc thì số lượng không phải là nhiều.

Tu hành, điều quan trọng nhất là xả tâm và phải biết mình đang ở hoàn cảnh nào, trạng thái tâm ra sao để áp dụng cách sống và phương pháp tu hành cho phù hợp.

Như trong thư chị viết thì chị đang sống trong hoàn cảnh có sự giao tiếp từ trong gia đình, ngoài xã hội, lớp dạy đạo đức… thì phải xác định là chị đang tu trong cảnh động, lấy các đối tượng xung quanh để phản tỉnh lại tâm mình; mặt khác tâm chị vẫn còn đang phóng dật (“con ở đâu lâu lâu là con cần đi lại một chút”) tức là chị đang ở giai đoạn Tứ Chánh Cần. Do đang tu Tứ Chánh Cần trong cảnh động thì phải xác định là tu tập xả tâm có đối tượng và phòng hộ bằng tri kiến giải thoát, chứ không phải là chỉ có tiết chế bản thân.

Trước hết, sự tu hành của Đạo Phật chính là quá trình xả bỏ những chướng ngại trong tâm của mình để tâm được thanh thản, do tâm thanh thản không chướng ngại nên thể hiện bằng những hành động đạo đức không làm khổ mình khổ người. Cách thức tu tập xả bỏ các chướng ngại pháp, nói ngắn gọn là xả tâm, thì tùy thuộc vào hoàn cảnh mà chúng ta áp dụng giới luật, cách sống và phương pháp tu tập khác nhau, chứ không phải là giống nhau: xả tâm trong cảnh động có các đối tượng thì khác so với xả tâm trong cảnh yên tịnh không có đối tượng.

Những sự trình bày của chị chưa đi sâu vào cách thức chị xả tâm, mà chỉ nói phần nhiều là xả vật dụng. Chúng ta hãy phân biệt thật rõ: xả tâm là lìa xa lòng ham muốn ác pháp dẫn tới khổ đau, chứ không phải là ly vật dụng. Nhiều người sống ở rừng núi không có vật dụng gì thì người này chỉ ly vật dụng chứ không phải ly tâm dục của mình. Các loài động vật như khỉ, vượn, hươu, nai… cũng vậy, chúng không có tài sản gì, thì đó là ly vật dụng chứ không phải là ly tâm dục.

Bởi vì Đức Phật đã xác định rất rõ ràng bốn chân lý bất di bất dịch của con người, đó là Tứ Diệu Đế, phát biểu ngắn gọn là: Tâm tham, sân, si làm cho con người khổ đau; nguyên nhân là do lòng ham muốn điều khiển; trạng thái lìa xa lòng ham muốn, lìa xa tâm tham, sân, si là hết khổ, là giải thoát, là thanh thản, an lạc, vô sự; muốn được giải thoát thì phải tu tập theo chương trình giáo dục đào tạo gồm có 8 lớp Bát Chánh Đạo, theo ba cấp Giới - Định - Tuệ.

Như vậy, Đức Phật xác định tâm tham, sân, si là khổ; lìa tham, sân, si là hết khổ, chứ Đức Phật đâu có dạy chúng ta ăn sương, nằm đất, bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ công ăn việc làm, … là hết khổ đâu. Và Trưởng lão Thích Thông Lạc cũng xác định: “Tông chỉ của Phật giáo là chuyển đổi đời sống thiếu đạo đức của thế gian trở thành đời sống thế gian có đạo đức, chứ không phải chúng ta bỏ đời để đi tu. Đi tu có nghĩa là làm cho đời tốt đẹp, thiện lành và có đạo đức, v.v.. cho nên đời sống có gì phải bỏ đâu các con?”

Nếu ăn sương, nằm đất mà hết khổ thì các loài động vật đã giải thoát từ lâu, nhưng thực tế không phải như vậy, đó là vì chúng quá thiếu phước mới làm thân động vật, không có trí tuệ như con người, thì làm sao mà giải thoát được?

Ngày xưa, cha của Đức Phật là vua Tịnh Phạn chứng đạo trên giường bệnh, trong hoàng cung nhờ xả chướng ngại trong tâm, ly sạch tâm ham muốn của mình, chứ không phải là xả vật dụng.

Một người không có tiền uống rượu, nhưng nhìn thấy rượu là khởi lòng thèm muốn thì người này chỉ ly vật dụng chứ không phải là xả tâm.

Một người hiểu rõ rượu là chất gây nghiện, đưa đến trí tuệ mê mờ, làm nhân cách suy đồi, tổn hao sức khỏe và người nghiện rượu sẽ làm khổ gia đình, trở thành gánh nặng cho xã hội, nên họ không ham muốn uống rượu. Nếu người này tới nơi nhà hàng sang trọng bày biện đủ loại rượu hảo hạng, … thì cũng không ham muốn, tức là tâm bất động. Như vậy, người này ly tâm ham muốn đúng theo lời Phật dạy: ly dục ly ác pháp là giải thoát.

Người sống trong cảnh yên tịnh mà tâm khởi niệm phóng dật thích nói chuyện với người khác (lén lút qua thất người khác nói chuyện, khi có ai hỏi thì kể lể đủ thứ…) thì người này không ly dục. Còn người sống với mọi người mà chuyện gì đáng nói thì nói, không đáng nói thì không nói, nếu nói ra đều làm vui lòng mình vui lòng người là người ly dục.

Vì thế, Trưởng lão Thích Thông Lạc đã đưa ra những ví dụ để cho chúng ta thấy được bản chất của sự ly dục:

“Người nghèo không có vật tùy thân, không phải là người ly dục. Người có đầy đủ vật chất trên thế gian mà không dính mắc vào những vật chất ấy, người đó ly dục!

Người ăn thực phẩm dở mà không đòi thực phẩm ngon, không thích ngon, không chê dở, đó là người ly dục.

Người ăn thực phẩm ngon mà không đòi ăn thực phẩm dở, đó là người ly dục.

Người ăn thực phẩm dở mà đòi ăn thực phẩm ngon là người không ly dục. Ngược lại cũng vậy.

Người không thèm ăn thực phẩm này, thực phẩm khác là người ly dục.

Người còn thèm ăn thực phẩm này, thực phẩm khác là người chưa ly dục.

Ở cảnh động mà không đòi ở cảnh tịnh, là người ly dục.

Ở cảnh động mà đòi ở cảnh tịnh là người chưa ly dục.

Ở cảnh động, cảnh chướng tai gai mắt mà không bị động, không thấy chướng tai gai mắt là người ly dục.

Người thấy người khác có áo mới mà đòi hỏi áo mới là người chưa ly dục.

Người thấy người khác có áo mới mà không đòi áo mới là người sống an phận thủ thường, chưa phải là người ly dục.

Người thấy người khác có áo mới, mình cũng có áo mới mà không ham thích, là người ly dục.

Người đứng núi này trông núi nọ là người chưa ly dục.

Người sống trong cảnh tu hành này mà đòi hỏi cảnh tu hành khác là người chưa ly dục.

Sống trong hoàn cảnh này mà vui với hoàn cảnh này là người ly dục.

Người sống trong hoàn cảnh này mà đòi hoàn cảnh khác là người chưa ly dục…”

Bằng những ví dụ như trên, Trưởng lão Thích Thông Lạc đã khéo léo khai thị cho chúng ta bản chất của sự ly dục là xả bỏ những chướng ngại pháp trong tâm của mình, chứ không phải ly vật dụng. Chướng ngại pháp được gọi là pháp ác, còn tâm không chướng ngại là pháp thiện, tức là tâm thanh thản, an lạc, vô sự và những hành động sống không làm khổ mình khổ người.

Cho nên, tu hành chỉ có mỗi một việc, đó là phân biệt cho thật rõ pháp nào ác, pháp nào thiện để không làm các pháp ác, chỉ làm các pháp thiện, người biết sống như vậy là người chứng đạo.

Những hành động mà chị kể như: thực hiện đạo đức giao thông, đạo đức vệ sinh, giúp đỡ mọi người là pháp thiện, là tu đúng.

Còn hành động nằm đất thì cái này là sự khổ hạnh thái quá, chứ không phải là tu hành, và nhất là nó không phù hợp với đời sống của người cư sĩ còn tiếp giao. Không phải ăn sương, nằm đất là ly dục, đây là hiểu sai. Nhà chị có giường thì chị cứ nằm bình thường, vì giường không phải là pháp ác, mà pháp ác là TÂM HAM MUỐN làm khổ mình khổ người.

Nếu chị có giường mà thích nằm đất là chị không ly dục.

Nếu chị có giường mà không đòi đòi hỏi nằm đất thì đó là ly dục.

Nếu chị không có giường, mà chị không khởi ý ham muốn nằm giường thì đó là ly dục.

Nếu chị không có giường, không có tiền mua giường mà luôn khởi tâm ham muốn cái giường thì đó là không ly dục.

Nếu chị không có giường, mà có tiền mua giường và hiểu rằng có giường thì thân đỡ lạnh không nhiễm bệnh, nên chị sắm chiếc giường mới, nhưng không khởi tâm ham thích cái giường thì chị là người có trí tuệ, biết bảo vệ thân hành của mình, là người ly dục.

Xung quanh nhà chị có mùi xào nấu thịt chúng sanh, chị lảng đi chỗ khác là biết phòng hộ, hiểu rõ đó là pháp ác để xả tâm không dính mắc là giải thoát. Chị khởi tâm thương yêu người xào nấu và con vật bị xào nấu là đúng, nhưng nếu chị không giúp gì được thì không cẩn thận nó đọng lại niệm dính mắc, tốt nhất là nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả để xả cho sạch tâm mình để được giải thoát. Chị hãy tác ý: “Đây là ác pháp do vay nợ xương máu mà có, tâm không được dính mắc vào những mùi vị này, hãy thanh thản, an lạc và vô sự”. Khi chị xả tâm không chướng ngại thì lòng từ, lòng bi, lòng hỷ đều có mặt ngay tại đó.

Chị nói: “Tiền thì con nhường cho chị và em”, điều này chưa hẳn là đúng. Vì chị đang sống giao tiếp nên chị giữ tiền do công sức chị làm ra để trang trải cuộc sống là không có gì sai trái cả. Còn việc giúp người thân thì phải đúng chánh pháp. Nếu những người thân của chị sống thiếu đạo đức mà chị giúp thì đó là tạo thêm điều kiện cho họ sống trong ác pháp. Cho nên, chị giúp người, dù là người thân cũng phải đúng chánh pháp, đúng lộ trình nhân quả, vì người thân là nhân quả của chị. Việc giúp người phải trên nguyên tắc: “Người sống thiện, lúc khó khăn thì ta hãy giúp đỡ để họ tiếp tục sống thiện; người sống ác, khi gặp khó khăn thì ta hãy để cho họ tự trả nhân quả”.

Trưởng lão Thích Thông Lạc đã dạy: Ly lòng ham muốn ác pháp là giải thoát, chứ không phải là ly vật dụng, nhất là chị đang ở giai đoạn tu trong cảnh động trước các đối tượng. Hành động “Tiền thì con nhường cho chị và em” nghe thì rất xả bỏ, nhưng nó không phản ánh được bản chất xả tâm trong đó. Người tu hành dưới chiếc áo cư sĩ là người sống cần lao nhưng buông xả, tức là buông xả tâm giận hờn, dính mắc, chứ không phải phân phát tài vật thiếu trí tuệ, thiếu đạo đức nhân quả, không phải như vậy.

Chúng tôi biết có chú Phật tử khi gặp chánh pháp thì bỏ hết công ăn việc làm, đốt chăn màn, ăn sương, nằm đất, đến mức vợ con bị đói khổ, nên từ một gia đình khá giả phải vay tiền của Hội phụ nữ để làm lại từ đầu, cuộc sống cơ cực, yếm thế, còn bản thân người đó thì rất sân và tham danh vì hiểu sai chánh pháp, đè nén tâm mình, chỉ lo xả vật dụng chứ không phải xả tâm. May mắn là khi Trưởng lão Thích Thông Lạc cho xuất bản cuốn Đạo Đức Làm Người thì chú Phật tử được đọc cuốn sách đó, lúc này chú mới bình tĩnh trở lại, không còn tu hành kiểu “quá khích” như ban đầu, và bây giờ cuộc sống bắt đầu ổn định.

Chúng ta hãy nhớ thật kỹ: Từ lớp Chánh kiến đến lớp Chánh mạng thuộc về đời sống của con người, Đức Phật đâu có dạy chúng ta ăn sương, nằm đất, bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ vợ, bỏ con, bỏ công ăn việc làm đi tu?

Cho nên, lớp học đầu tiên của Đạo Phật là lớp Chánh kiến. Lớp chánh kiến là gì? Là thấy rõ bản chất của các pháp đang vận hành theo quy luật nhân quả như thật để biết pháp ác sẽ dẫn tới quả khổ, pháp thiện sẽ dẫn tới quả hạnh phúc, an vui, từ đó mới biến ra hành động không làm các pháp ác, chỉ làm các pháp thiện, sống như vậy là chứng đạo.

Nếu lớp Chánh kiến chưa đủ sức để nhìn thấu bản chất các pháp thì chúng ta học lớp Chánh tư duy, tức là phân tích mổ xẻ bản chất vấn đề thật sâu sắc, kỹ lưỡng, mục đích là để phân biệt cho rõ ràng pháp nào thiện, pháp nào ác, không làm các pháp ác, chỉ làm các pháp thiện, tức là sống không làm khổ mình khổ người. Cho nên, lớp Chánh tư duy là bộ lọc thứ hai để giúp tâm chúng ta được giải thoát.

Từ lớp Chánh kiến, lớp Chánh tư duy để xả pháp ác, trưởng dưỡng pháp thiện nên mới biến ra hành động, lời nói không làm khổ mình khổ người, tức là đang tu lớp Chánh ngữ và lớp Chánh nghiệp.

Nhờ lớp Chánh kiến, lớp Chánh tư duy, lớp Chánh ngữ, lớp Chánh nghiệp mà chúng ta luôn bỏ ác, làm thiện, sống không làm khổ mình khổ người, sống không làm khổ mình khổ người là chúng ta đang thực hiện lớp Chánh mạng.

Như vậy, tu hành chỉ là một cuộc sống bình thường, nhưng không làm pháp ác, chỉ làm các pháp thiện thì đó là phi thường.

Người ta chửi mà mình không giận là chứng đạo, chứ không phải ăn sương, nằm đất là chứng đạo.

Quý vị có duyên biết chánh pháp thì hãy trả lời thật lòng: Quý vị đã học và đào luyện thân tâm được bài bản ở những lớp nào trong 8 lớp Bát Chánh Đạo? Tri kiến và trạng thái tâm của quý vị đang ở lớp nào?

Chị là một hướng dẫn viên du lịch quốc tế thì không phải tự nhiên mà chị có thể làm công việc đó được, mà phải có quá trình đào tạo, rèn luyện bài bản từ thấp đến cao. Chị phải được học kiến thức phổ thông căn bản, thậm chí là còn phải học lên Đại học, rồi phải giỏi ngoại ngữ, phải hiểu biết văn hóa, lịch sử và luật pháp nước sở tại, phải biết ứng xử đúng chuẩn mực, phải biết xử lý các tình huống khẩn cấp… thì mới có thể làm hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Chứ không phải chỉ đọc vài cuốn sách du lịch, cầm cờ phất phất rồi làm hướng dẫn viên du lịch quốc tế thì điều này không bao giờ có được. Tu hành cũng vậy, phải có kiến thức nền tảng, phải rèn luyện xả tâm trước các đối tượng từ thô đến tế thì mới có sự giải thoát, an vui.

Giống như một con tàu vũ trụ, muốn bay ra ngoài không gian để thoát khỏi lực hút của Trái đất, thì người ta sử dụng tên lửa đẩy có nhiều tầng nhiên liệu. Khi nhiên liệu ở tên lửa dưới cùng hết, nó tự động tách ra và tên lửa thứ hai lập tức được phát động. Khi tên lửa thứ hai dùng hết nhiên liệu, nó cũng tự động tách ra và tên lửa thứ ba tiếp đó được phát động… cứ như vậy sẽ làm cho vệ tinh hoặc tàu vũ trụ đặt ở tầng trên cùng đạt được tốc độ từ 7,9 km/s trở lên (đạt tốc độ này thì con tàu mới không rơi trở lại mặt đất) để bay quanh Trái đất hoặc thoát khỏi Trái đất.

Ở đây, tàu vũ trụ ẩn dụ cho tâm chúng ta; lực hút Trái đất ẩn dụ cho nghiệp lực; tầng nhiên liệu ẩn dụ cho các đối tượng để tạo lực đẩy; lực đẩy ẩn dụ cho ý thức lực của chúng ta.

Cho nên, khi tu tập ở giai đoạn đầu thì chúng ta phải khéo léo mượn các đối tượng xung quanh để phản tỉnh lại tâm mình, xem tâm có chướng ngại không? Nếu có chướng ngại thì dùng tri kiến Định Vô Lậu để phân tích mổ xẻ cho thấu triệt các pháp đều là nhân quả, không có gì là ta, là của ta, rồi dùng pháp Như lý tác ý xả sạch chướng ngại trong tâm thì tâm sẽ thanh thản, an lạc và vô sự. Do rèn luyện pháp Như Lý Tác Ý trước các đối tượng để xả tâm thì ý thức lực càng tăng, ý thức lực càng tăng thì tâm càng trở nên bất động và nghiệp lực tham, sân, si càng giảm, do nghiệp tham, sân, si càng giảm thì sự ràng buộc nhân quả đối với bản thân càng giảm, đến khi nào trước cảnh động mà tâm bất động thì mới nên vào cảnh tịnh để rèn luyện nội lực nhập thiền định.

Có nhiều quý vị biết đạo sơ sơ, chưa rèn luyện bản thân trong chương trình giáo dục đào tạo của Đạo Phật, chỉ đọc vài cuốn sách mà nhảy vào thất hoặc tu tập theo kiểu yếm thế (chỉ xả vật dụng chứ không phải xả tâm) thì làm sao có đối tượng biết tâm mình còn ác pháp, không biết tâm khởi ác pháp thì không ngăn ác diệt ác, không ngăn ác diệt ác bằng tri kiến giải thoát thì không tăng được ý thức lực, không có ý thức lực thì sống trong cảnh tịnh sẽ bị ức chế tâm. Cũng như con tàu vũ trụ nếu chưa đạt được tốc độ cần thiết mà xả bỏ nhiên liệu thì làm sao đủ lực đẩy? Không đủ lực đẩy thì sẽ bị lực hút của Trái đất kéo trở lại, không thể bay vào không gian được.

Cho nên, muốn tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không thì Ý THỨC LỰC PHẢI ĐỦ ĐỂ LY DỤC LY ÁC PHÁP, muốn ly dục ly ác pháp thì phải có đối tượng. Vậy quý vị vội vàng bỏ hết các đối tượng thì lấy cái gì để triển khai tri kiến giải thoát và thực hành pháp Như Lý Tác Ý? Không thực hành pháp Như Lý Tác Ý trước các đối tượng thì làm sao có ý thức lực, không có ý thức lực thì làm sao giữ cho tâm hồn phóng khoáng như hư không được?

Tu hành phải nắm lấy điều cốt lõi để đi vào sự giải thoát thì vững chắc, bền vững, chứ đừng lấy cái hình tướng giới luật mà nội tâm không xả chướng ngại thì không cẩn thận ức chế tâm trong hình tướng giới luật. Điều cốt lõi là ly dục trong tâm của mình chứ không phải ly vật dụng.

Có nhiều người hiểu một cách đơn giản: “Sống ba y một bát, khất thực tu hành là giải thoát”, nhưng Trưởng lão Thích Thông Lạc đã dạy: “Chỉ có người nào tu hành đoạn đứt lòng ham muốn và các ác pháp thì mới chấm dứt sanh tử luân hồi. Còn có tâm ham muốn và ác pháp thì dù có đi khất thực một ngàn kiếp thì cũng chẳng giải thoát”.

Đức Phật đã xác định: Đạo Phật là đạo của con người, là con người thì ai cũng tu hành giải thoát được, vì giải thoát là chỗ tâm xả ly, đoạn diệt nghiệp tham, sân, si. Do đó, nếu một người ở xứ lạnh âm 10, 20, 30 độ thì làm sao họ đi khất thực được, nếu cứ cố chấp “3 y một bát” thì có phải là họ không tu được không? Trong khi Đức Phật dạy: “Là con người thì ai cũng có thể tu hành thoát khổ”. Cho nên, sự cố chấp nó dẫn tới mâu thuẫn và lệch bản chất tu hành của Đạo Phật.

Hoặc trong mùa dịch Covid-19 tràn lan, buộc chính quyền ở nhiều nước phải hạn chế dân chúng đi lại, không lẽ mọi người không tu hành được sao? Tu ở cái tâm ly dục ly ác pháp, chứ không phải cố chấp vào y và bát.

Thầy Thông Lạc lúc đang tu, là một bậc tu hành chân chính, người được Hòa thượng Thanh Từ ví: “Như con Đại Tượng qua sông không ngoái đầu nhìn lại, đã tinh tấn không phút giây lơi lỏng”, khi Thầy lên Hòn Sơn sống một mình khổ hạnh tận cùng, chỉ ăn lá cây rừng để sống và tu hành, nhưng không thắng nổi tâm mình. Thầy đã viết: “Những đêm khuya thanh vắng, tiếng tàu đánh cá ngoài khơi xa văng vẳng gợi lên lòng thương nhớ mẹ và em nơi quê nhà, trong khi đất nước còn bom cày, đạn xé từng tấc đất yêu thương. Bao nhiêu câu hỏi dồn dập trong đầu không sao trả lời được, bấy giờ pháp môn tri vọng vô phương, không sao dẹp được loạn tưởng này”. Như vậy, lúc Thầy đang tu trên Hòn Sơn là Thầy chỉ mới ly vật dụng tận cùng (sống khổ hạnh) chứ không phải là xả tâm, cho nên Thầy vẫn không thắng nổi vọng tưởng của mình, để rồi sau đó Thầy trở về bên mẹ yên ổn tu hành, cuối cùng do cơ duyên tu hành đúng pháp của Đức Phật mà Thầy chứng đạo, làm chủ hoàn toàn sanh, già, bệnh, chết, dựng lại chánh pháp, thắp sáng lên nền đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người cho nhân loại trên hành tinh này.

Chị còn sống giao tiếp thì hãy lấy 5 tiêu chuẩn đạo đức làm người làm nền tảng cho cuộc sống của mình, rồi tu tập trong mọi hoàn cảnh, trên mọi đối tượng, miễn là giữ vững nguyên tắc: không làm các pháp ác, chỉ làm các pháp thiện, sống như vậy là người chứng đạo. Nhưng chị hãy lưu ý: ly dục ác chứ không phải ly dục thiện, ly pháp ác chứ không phải ly pháp thiện, nên Đạo Phật mới xây dựng cho chúng ta một lộ trình đạo đức từ đạo đức nhân bản làm người đến đạo đức nhân quả thập thiện và cuối cùng là đạo đức làm Thánh, tâm bất động trước các ác pháp và cảm thọ. Nếu hiểu ly dục mà ly cả dục ác lẫn dục thiện thì sẽ trở thành cây đá, không thể nào giải thoát được.

Về sắc phục chị cứ mặc bình thường để tiện giao tiếp, đừng quá tiết chế, thì đó là thiện xảo. Chị có nhiều quần áo đẹp, lịch sự mà ưa quần áo thô xấu tức là chị không ly dục, dù nhìn qua có vẻ như là chị đang ly, nhưng thực chất là chị đang “thích mặc xấu” hơn là xả tâm dính mắc vào quần áo đẹp, lịch sự.

Nếu chị gặp bạn bè, họ không biết chị tu hành mà chị mặc áo tràng, áo lam của người Phật tử tiếp họ thì họ cũng cảm thấy ái ngại; còn chị cứ mặc bình thường thì đó là thiện xảo trong cách ăn mặc.

Chúng tôi biết nhiều người Phật tử ăn uống kham khổ, ăn mặc tuềnh toàng nhưng họ không xả tâm, bằng chứng là họ thường đi nói xấu người khác, rồi vào trong đại chúng thì có tư tưởng băng nhóm làm rối loạn lòng người. Dường như cái hình thức kham khổ, ăn mặc tuềnh toàng là cái “bình phong” để họ thực hiện tâm thị phi hơn là việc tu hành cho nghiêm túc.

Nếu quý vị để ý kỹ thì thấy nhiều người Phật tử về hình tướng là họ giữ được, nhưng nội tâm thì loạn động nên thích chính sự, thích túm tụm thị phi, nói xấu người này chia rẽ người khác, hay sân hận, ganh tỵ, … như vậy họ tu ở chỗ nào? Chị là người đi sinh hoạt trong đại chúng, không khó để chị nhận ra những người này.

Chị thực hiện việc quán thân bất tịnh, triển khai Định Vô Lậu để thấy được bản chất khổ đau của tâm ái dục là một điều rất tốt, và hết sức quan trọng trong vấn đề tu hành. Đến khi nào trước các đối tượng khác giới mà chị thấy họ như là anh, em, cha, chú của mình, lòng không dao động tức là thành công. Dưới con mắt nhân quả của Đạo Phật mà nhìn vào cuộc sống gia đình thì chúng ta chỉ thấy một vở tuồng vui ít, khổ nhiều, ràng buộc lẫn nhau trong bổn phận trách nhiệm, chứ không có được hạnh phúc thực sự, nếu các thành viên mà thiếu đạo đức thì gia đình đó bất hạnh vô cùng. Thầy Thông Lạc từng nói với Nguyên Thanh: “Thầy quan sát các gia đình thì thấy họ cãi nhau suốt ngày con ạ!”. Cho nên, tâm sắc dục mà người đời dùng không biết bao nhiêu lời thơ, tiếng hát để ca ngợi tình yêu đôi lứa chỉ là miếng mồi nhử của nhân quả để đẩy con người vào quỹ đạo duyên sanh đầy khổ đau mà thôi. Vì thế, đối với người không vướng bận gia đình tu trong cảnh động rất dễ quán xét Định Vô Lậu để xả tâm sắc dục khi quan sát những trường hợp thực tế. Còn đối với những người có gia đình thì chỉ cần giữ gìn Đức Chung Thủy không tà dâm là được.

Trưởng lão Thích Thông Lạc dạy: Tu trên hoàn cảnh nhân quả của mình, chứ không phải dạy chúng ta đổi hoàn cảnh, tiết chế hoàn cảnh, hạn chế bản thân, không phải vậy. Trong hoàn cảnh của chị, những pháp nào ác thì chị đừng có làm, chỉ làm các pháp thiện thì đó là tu tập.

Ví dụ 1: Có người sinh viên đang học tiếng Anh thì đây không phải là pháp ác, nên không cần phải bỏ. Nhưng nếu đến lớp học mà nhiều chuyện, quậy phá, trêu chọc người nọ, người kia thì đó mới là pháp ác.

Ví dụ 2: Một người làm công việc chân chánh và có đạo đức nghề nghiệp thì đó là pháp thiện, còn nếu làm công việc mà có sự gian lận, bớt xén, nói không đúng sự thật để kiếm lợi thì đó là pháp ác.

Ví dụ 3: Chị đang hộ trì lớp học đạo đức thì đây là pháp thiện. Nhưng nếu chị hộ trì mà tham gia vào việc thị phi, đem chuyện người này nói chuyện người khác thì đó là pháp ác.

Ví dụ 4: Nếu chị quét nhà không cẩn thận làm chết kiến, trùng thì đó là pháp ác, còn nếu chị cẩn thận không làm tổn hại tới chúng sanh thì đó là pháp thiện.

Ví dụ 5: Chị có điều kiện để sử dụng các phương tiện như xe ô tô, xe máy, … để di chuyển thì đó không phải là pháp ác. Nhưng nếu chị sử dụng những phương tiện này vi phạm luật giao thông hoặc phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn… thì đó là pháp ác.

Ví dụ 6: Chị tới nhà hàng mừng cưới bạn thân, nếu bạn mời rượu mà mình nhấp môi chúc mừng nhưng không uống thì đó là sống thiện xảo, tùy thuận nhưng không bị lôi cuốn vào pháp ác, nhưng nếu bạn mời rượu cũng uống luôn thì đó là bị lôi cuốn trong pháp ác.

Ví dụ 7: Nếu chị sử dụng máy tính, điện thoại để làm việc, để trau dồi những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống, nghe lời dạy chánh pháp và triển khai tri kiến giải thoát... thì đó là pháp thiện, còn nếu sử dụng máy tính để lên mạng chỉ trích, hơn thua, bình luận ác ý... thì đó là pháp ác.

Cho nên, sự tu hành là một đời sống rất bình thường, nhưng phi thường là ở chỗ không làm các pháp ác, chỉ làm các pháp thiện. Phần lớn con người trên hành tinh này vì không hiểu nhân quả thiện ác, nên hành động có lúc thiện, lúc ác, vì vậy mà cuộc đời của họ lúc buồn, lúc vui, lúc chìm, lúc nổi trôi dạt trong nhân quả.

Vì vậy, điều quan trọng của người tu là phải triển khai tri kiến giải thoát, tức là tri kiến đạo đức nhân quả, bắt đầu từ lớp Chánh kiến và lớp Chánh tư duy.

Lớp Chánh kiến thì chúng ta nên triển khai theo các đề tài Định Vô Lậu mà Trưởng lão Thích Thông Lạc đã dạy, bắt đầu từ đề tài Nhân quả thảo mộc, rồi tới các đề tài Nhân quả con người, … Mỗi đề tài cũng phải triển khai cỡ 100 trang giấy cho thật thông suốt.

Sau khi triển khai xong các đề tài Định Vô Lậu thì chúng ta triển khai lớp Chánh tư duy. Hàng ngày nên phản tỉnh tâm mình xem có chướng ngại gì thì lấy niệm đó làm đề tài để phân tích, mổ xẻ cho thật thấu triệt tâm niệm đó xem nó bắt nguồn từ nghiệp gì? Nó có làm khổ mình khổ người hay không? Nó có dẫn tới khổ đau hay quả báo khổ đau hay không? Nó có thật không? Nếu nó là ác pháp thì dùng pháp Như Lý Tác Ý xả bỏ gốc nghiệp sinh ra nó.

Ví dụ: Người có tính thích hơn thua phải trái thì bản chất là tâm sân, nên phải phân tích cho kỹ lưỡng, rồi tác ý xả tâm sân thì tính hơn thua sẽ hết.

Trong thư chị có nói về thời khóa ngồi chơi vô sự lúc 7h đến 9h30 cũng tốt, nhưng Nguyên Thanh nghĩ rằng lúc nào chị rảnh rang thì ngồi chơi xả tâm, không nhất thiết phải cố định thời khóa, vì chị đang còn giao tiếp. Ngồi chơi xả tâm tức là tu tập chánh tư duy trong cảnh tịnh như trên đã nói, để tâm được thanh thản, an lạc và vô sự.

Nhờ chánh kiến và chánh tư duy, nên chị xả được tâm chướng ngại, tâm sẽ trở về trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự, từ đó mới biến thành những lời nói và hành động rất ôn tồn, nhã nhặn không làm khổ mình khổ người, tức là sống đúng chánh ngữ và chánh nghiệp.

Do thân, khẩu, ý được trau dồi trên lớp Chánh kiến, lớp Chánh tư duy, lớp Chánh ngữ, lớp Chánh nghiệp không làm khổ mình khổ người, tức là thân tâm đang sống trong lớp Chánh mạng, chứ không phải chỉ có ăn chay là sống đúng chánh mạng thì đó là hiểu cạn cợt. Người ăn chay mà làm nghề mê tín cũng là sống trong tà mạng. Người ăn chay mà khẩu hành ác, nên tạo nghiệp khổ đau cho thân tâm mình là sống trong tà mạng. Người ăn chay mà hay tức giận làm tâm khổ (phiền não), thân khổ (hơi thở không đều, người sân nhiều dễ mắc bệnh huyết áp), dễ gây thù chuốc oán, tức là sống trong tà mạng.

Năm lớp đầu tiên của Đạo Phật thuộc về đời sống của con người, nên chị hãy học tập triển khai ở đâu cũng được, miễn là thuận lợi cho chị. Nhất là lớp Chánh kiến và lớp Chánh tư duy, chị nên triển khai thật bài bản. Chị có thể triển khai ở nhà hoặc nếu nhà chị không tiện thì chị có thể lên thư viện thành phố hoặc thư viện các trường Đại học, xin người thủ thư bố trí cho mình một góc yên tĩnh để triển khai; hoặc chị tới trú xứ nào mà họ tạo điều kiện cho chị được triển khai đều tốt cả.

Còn lớp Chánh tinh tấn thì chị thực hành trong ngày thọ Bát Quan Trai hoặc lúc nào chị rảnh rang một mình để xả các chướng ngại trên thân và tâm để thân tâm được thanh thản, an lạc, vô sự. Trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự là trạng thái tâm ở trên Tứ Niệm Xứ, kéo dài trạng thái này tức là chị đang tu tập trên lớp Chánh Niệm.

Trong thư chị viết: “Giờ con tính nên vào ở một thời gian để thay đổi không khí và trong từ trường thiện sau đó con tính sau”, cái này là chị nói theo kiểu cầu may, kiểu du lịch tôn giáo chứ không phải là tu hành. Tu hành là chị phải suy xét thật kỹ lưỡng, chứ không phải “vào từ trường thiện rồi tính sau” một cách hú họa như vậy được.

Vậy chị hãy trả lời câu hỏi: Chỗ nào là từ trường thiện?

Từ trường thiện là hành động sống không làm khổ mình khổ người của chúng ta phủ trùm không gian. Lúc nào chúng ta giữ được tâm thanh thản thì ngay đó là tương ưng với từ trường bất động, nơi mà Đức Phật và các bậc Thánh tăng, với Trưởng lão Thích Thông Lạc đang an trú, chứ không phải nương nhờ ở đâu cả. Muốn có từ trường thiện thì chính chị phải triển khai tri kiến giải thoát.

Thầy Thông Lạc dạy Nguyên Thanh rằng: “Con giữ tâm bất động thì sẽ tương ưng với từ trường thiện của tất cả các bậc Thánh”.

Nhiều người hiểu từ trường thiện như kiểu sóng điện thoại, nên nghĩ rằng ở đâu đó có các máy phát “từ trường thiện” và muốn ở gần để bắt sóng cho mạnh là ấu trĩ và có phần mê tín.

Đức Phật là người tu chứng đạo đầu tiên, Ngài sống ở nước Ấn Độ, nhưng hiện tại số người theo Đạo Phật ở đất nước Ngài rất ít, đó là chưa nói đến việc họ có tu đúng chánh pháp hay không, còn dân chúng thì sống rất lạc hậu, mê tín. Chị là hướng dẫn viên du lịch quốc tế, chắc chắn chị rất hiểu thực trạng này. Nếu nói theo kiểu “gần từ trường thiện” thì tại sao lại ra nông nổi như vậy? Cho nên, từ trường thiện là ở chỗ tâm mình, chứ không phải do nương nhờ ở người khác mà có được, vì thế Đức Phật dạy: “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi!”, “Sau khi Ta nhập diệt hãy lấy giới luật và giáo pháp Ta làm thầy, làm chỗ nương tựa vững chắc tu hành”. Giới luật chính là đạo đức không làm khổ mình khổ người.

Nếu chị muốn tới trú xứ nào thì hãy theo nguyên tắc: “Sống ở một nơi nào, ở trú xứ nào, ở gần người nào mà thiện pháp chưa tăng trưởng được tăng trưởng, tâm chưa an trú được an trú thì chị nên tới đó để sống và tu tập. Còn nếu ở một nơi nào, ở một trú xứ nào, gần một người nào mà thiện pháp chưa tăng trưởng không được tăng trưởng, tâm chưa an trú không được an trú, thường tán loạn thì chị không nên ở”.

Chị hãy ngồi lại, cầm cây viết và gạch đầu dòng xem những vấn đề của bản thân:

- Đời sống đã hoàn toàn trên 5 giới chưa?

- Mình đã nhận ra trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự chưa? Trạng thái đó mình có được khoảng bao lâu? 20 giây, 30 giây, 1 phút, 5 phút… ?

- Về Định Vô Lậu, mình đã triển khai xong những đề tài cơ bản chưa?

- Áp dụng Định Vô Lậu vào đời sống mình đã nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả chưa? Tri kiến có nhạy bén không?

- Khi ngồi lại một mình có tĩnh giác không hay là bị thất niệm? Nếu thất niệm tức là thiếu chánh niệm tĩnh giác. Vậy phải rèn luyện Định Chánh Niệm Tĩnh Giác trên thân hành hoặc là trau dồi lòng từ.

- Chị đã biết cách thức phân tích mổ xẻ từng tâm niệm chưa? Có cần lấy từng tâm niệm để làm đề tài quán vô lậu không? ...

- Chị thấy pháp nào làm tâm chị dễ thanh tịnh: Quán Định Vô Lậu xả tâm hay trau dồi lòng từ, ...

- Hoàn cảnh của chị bây giờ như thế nào? Có những vấn đề gì cần phải giải quyết để mọi việc thật an ổn?...

- Thân tâm chị có những chướng ngại nào lớn? Thân có bệnh không? Tâm có những khúc mắc nào khó giải quyết không? …

Đặt ra những vấn đề như vậy, thì chị mới tìm cách để khắc phục các vấn đề để thân tâm được an ổn. Chị xem xét những điểm yếu này mình có thể triển khai ở nhà hay tới một trú xứ nào đó? Tức là có sự suy tư, cân nhắc kỹ lưỡng, chứ không phải “vào từ trường thiện rồi tính sau” một cách rất hú họa. Nếu có từ trường thiện mà mình có thể chui vào được thì chắc chắn Đức Phật đã không dạy: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi, Ta chỉ là người hướng đạo”. Chúng ta hãy nhớ kỹ: người ta chửi mà mình không giận là từ trường thiện.

Ai cũng vậy, tu hành là một quá trình khắc phục những điểm yếu, những điểm chưa tốt của bản thân để trở nên toàn thiện, toàn thiện là chỗ tâm không chướng ngại, luôn thanh thản, an lạc và vô sự thể hiện bằng những hành động sống không làm khổ mình khổ người.

Như vậy, giai đoạn của chị đang tu trong cảnh động thì tu ở đâu cũng được, trong mọi hoàn cảnh, trước mọi đối tượng, nhưng điều quan trọng nhất là phải xả tâm bằng đôi mắt nhân quả, tức là triển khai tri kiến giải thoát.

Trong thư chị viết thì hoàn cảnh của chị không quá vướng bận, nên đó cũng là một sự thuận lợi, vì thế chị hãy cố gắng tập trung sự triển khai tri kiến thật căn bản và tu tập chánh niệm tĩnh giác làm hành trang vững chắc cho sự tu tập. Chị có thể trau dồi lòng từ trong đời sống hàng ngày để vừa đối trị tâm sân, vừa nâng cao sức tĩnh giác một cách tự nhiên, vừa đối trị nghiệp bệnh của thân.

Chị vừa xả tâm trong cảnh động và thỉnh thoảng chị thọ Bát Quan Trai là rất tốt. Ngày thọ Bát Quan Trai là ngày chị ngồi chơi xả tâm trong cảnh tịnh, xả tâm trong cảnh tịnh thì phải có trạng thái của sự xả tâm, chứ không phải chỉ là sự an ổn chung chung.

Nếu thực sự chị xả được tâm chướng ngại, thì tâm sẽ quay vào định trên thân hành của chị một cách nhẹ nhàng, đây chính là trạng thái tâm không phóng dật. Trạng thái này mới xác chứng là chị có thật sự xả sạch chướng ngại hay chưa, chứ không phải là an ổn như chị miêu tả. Người sống thiện thì tâm an ổn, nhưng sự an ổn đó chưa phải là tâm không phóng dật, mà đó là do tâm bớt động mà thôi. Do đó, chị phải xả thật sạch thì trạng thái không phóng dật mới dài ra, nhờ đó khi trở lại đời sống bình thường 5 giới, chị nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả rất rõ để an trú trong thiện pháp không làm khổ mình khổ người.

Giới luật của Đạo Phật là thiện pháp, là đạo đức không làm khổ mình khổ người, nếu giáo điều trong hình thức này, hình thức khác mà làm khổ mình khổ người là phạm giới. Do đó chị nói rằng chị xả y phục, chỉ có 4 bộ đồ (2 bộ đồ tu và 2 bộ áo sơ mi kẻ), nhìn qua thì rất giản dị nhưng nó không nói lên được bản chất của sự tu hành, mà là xả vật dụng và bị cố chấp trong giới điều. Với thời tiết như bây giờ (tháng 1/2021), ở miền Bắc có nơi lạnh 10 – 11 độ, chị không mặc áo ấm thì thân lạnh, tức là làm khổ thân, làm khổ thân là làm khổ mình, như vậy chị đâu có thực sự thương mình, không thương mình tức là phạm giới luật. Thầy Thông Lạc đâu có dạy người cư sĩ thực hiện hạnh giản dị để thân rét co ro làm khổ mình. Chị đang sống giao tiếp thì hoàn cảnh chị như thế nào, chị cứ sống như vậy, việc ăn mặc cứ giữ bình thường, mùa hè mặc áo mát, mùa đông mặc áo ấm, miễn là chỉn chu, lịch sự là được. Còn khi chị vào trong môi trường tu hành nào đó, người ta mặc áo lam, áo dài, áo vạt hò, … thì chị cũng mặc giống với họ để có sự “đồng phục”, nhưng điều quan trọng là chỗ cái tâm của chị, chứ không phải màu áo. Cho nên, Trưởng lão Thích Thông Lạc đã dạy: “Bởi vậy, con người được trang bị một trí tuệ nhân quả đầy đủ, dù người đó đang mặc chiếc áo cư sĩ, họ vẫn lìa khỏi tam độc tham, sân, si. Đạo đức nhân quả là đạo đức không làm khổ mình khổ người thì làm sao còn tham, sân, si được. Còn tham, sân, si tức là còn ác pháp, còn ác pháp tức là còn làm khổ mình, khổ người.”

Toàn bức thư của chị không thấy nói cụ thể về việc triển khai trí tuệ đạo đức nhân quả, mà chỉ nói phần nhiều về sự tiết chế trong cái ăn, cái mặc, ly vật dụng, thì nó chỉ mới phảng phất hình tướng tu hành mà thôi.

Thiên hướng của chị là muốn sống trong môi trường “xuất gia”, nhưng chỗ tâm không làm khổ mình khổ người mới là xuất gia đúng nghĩa, vì thế hãy xả tâm cho thật sạch thì ở đâu chị cũng xuất gia được.

Chị đang sống giao tiếp, tu tập Tứ Chánh Cần ngăn ác diệt ác, tức là đang ở giai đoạn phòng hộ và xả tâm. Giai đoạn này thì chị tu tập trong mọi hoàn cảnh, trước mọi đối tượng, miễn là biết triển khai tri kiến giải thoát.

Đối với người còn giao tiếp thì phòng hộ bằng tri kiến chứ không phải không tiếp xúc với các đối tượng. Tức là dùng tri kiến phân biệt pháp nào là thiện, pháp nào là ác, để không làm các pháp ác, chỉ làm các pháp thiện, do làm các pháp thiện nên không có quả khổ, thì đó là phòng hộ nhân quả ác.

Còn xả ly cũng dùng tri kiến giải thoát, tức là khi bị ác pháp tác động phải phân tích, mổ xẻ cho thật rõ bản chất của các pháp là nhân quả, là các pháp vô thường, không có gì là ta, là của ta, rồi dùng pháp Như Lý Tác Ý xả sạch tâm chướng ngại tham, sân, si đang phát khởi trong tâm.

Chị khéo léo triển khai tri kiến, mượn các đối tượng để phản tỉnh tâm mình, rồi dùng pháp Như Lý Tác Ý để xả các chướng ngại thì tâm chị sẽ thanh thản và ý thức lực của chị tăng trưởng, đến lúc nào trước cảnh động mà tâm chị bất động thì mới nên vào trong cảnh tịnh tu hành giai đoạn 3 và 4, tức là rèn luyện nội lực nhập Thiền định.

Như vậy, chị hãy lấy 5 tiêu chuẩn đạo đức làm người là nền tảng cho đời sống, triển khai tri kiến để sống đúng đạo đức nhân quả, thỉnh thoảng thọ Bát Quan Trai, có điều kiện thì hộ trì chánh pháp thì tâm chị luôn thanh thản, an vui.

Nói một cách ngắn gọn, tu hành theo Đạo Phật thì phải triển khai trí tuệ phân biệt cho được pháp nào thiện, pháp nào ác để không làm các pháp ác, chỉ làm các pháp thiện, người biết sống như vậy là chứng đạo.

Tóm lại, bản chất tu hành là xả tâm, chứ không phải là ly vật dụng, muốn vậy chị hãy sống đúng 5 tiêu chuẩn đạo đức làm người, triển khai tri kiến giải thoát để phòng hộ, xả ly trong mọi hoàn cảnh, trước mọi đối tượng, rồi dùng pháp Như Lý Tác Ý để đoạn trừ chướng ngại tham, sân, si, nhờ đó mà ý thức lực ngày càng mạnh mẽ, thúc đẩy chị theo đúng quỹ đạo giải thoát và bước đi trên đường về xứ Phật như cánh chim bằng thênh thang bay vút tận trời xa.

TM. Ban Biên Tập
Sc. 
Nguyên Thanh



- Chị có thể tham khảo thêm các bài viết:

[1] Lộ trình tu tập:
https://www.facebook.com/trienkhaitrikiengiaithoat/posts/3347920461889955

[2] Lòng từ đối trị tâm sân trong đời sống:
https://www.facebook.com/trienkhaitrikiengiaithoat/posts/3009485922400079

[3] Sống là tu, tu là sống:
https://www.facebook.com/trienkhaitrikiengiaithoat/posts/2910222018993137

[4] Phương pháp tu tập Định Vô Lậu:
https://www.facebook.com/trienkhaitrikiengiaithoat/posts/3318608838154451

P/s: Bài viết được BBT Thư viện Thầy Thông Lạc đăng tải trên trang TRIỂN KHAI TRI KIẾN GIẢI THOÁT. Quý bạn đọc vui lòng nhấp vào liên kết dưới đây để tham khảo:

https://www.facebook.com/trienkhaitrikiengiaithoat


#trienkhaitrikiengiaithoat

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

CHÁNH PHÁP, TƯỢNG PHÁP, MẠT PHÁP - Thầy Thích Bảo Nguyên

Kinh Ví dụ cái cưa