BÀI 1: TẬP TỈNH THỨC
Sau khi giác ngộ pháp thiết thực hiện tại (Tứ diệu đế, 12 nhân duyên) chúng ta chấp nhận học giới, sống hộ trì chân lý (tâm thanh thản, an lạc - Niết Bàn), sống ngăn ác diệt ác sanh thiện tăng trưởng thiện pháp.
Để thực hiện được ngăn ác diệt ác - sanh thiện tăng trưởng thiện pháp chúng ta phải TẬP TỈNH THỨC.
Tập tỉnh thức là làm việc gì biết việc đó. Kinh Đại niệm xứ đức Phật dạy:
"3. Lại nữa, này các Tỷ keo, Tỷ kheo đi, tuệ tri: "Tôi đi"; hay đứng, tuệ tri: "Tôi đứng"; hay ngồi, tuệ tri: "Tôi ngồi"; hay nằm , tuệ tri: "Tôi nằm". Thân thể được sử dụng như thế nào, vị ấy biết thân như thế ấy."
"4. Lại nữa, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo, khi bước tới, bước lui, biết rõ việc mình đang làm. Khi ngó tới, ngó lui, biết rõ việc mình đang làm. Khi co tay khi duỗi tay biết rõ việc mình đang làm. Khi mang áo Sanghàti (Tăng-già-lê), mang bát, mang y, biết rõ việc mình đang làm. Khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc mình đang làm. Khi đi đại tiện, tiểu tiện, biết rõ việc mình đang làm. Khi đi, đứng, ngồi, nằm, biết rõ việc mình đang làm."
Lợi ích của tỉnh thức
- Tỉnh thức giúp chúng ta sống hiện tại, sống làm việc gì biết làm việc đó nên nó chỉ sống hiện tại, trầm lặng.
- Tỉnh thức hỗ trợ cho CHÁNH NIỆM. Do tỉnh thức mà chúng ta mới nhận ra được các hành động - thân - khẩu - ý của mình, từ đó mới điều phục thân khẩu ý được. Khi chúng ta thiếu tỉnh thức là chúng ta dễ hành theo sự thúc đẩy của nghiệp lực tham sân si, nghiệp lực sai khiến gì chúng ta sẽ làm liền cái đó. Chúng ta sân giận nhanh chóng khi bất toại nguyện; chúng ta tham đắm nhanh chóng khi thấy vật khả ái, v.v..
Cách tập tỉnh thức
Nếu ngày Bát Trai Giới chúng ta có thể tập đi kinh hành hay đi thân hành niệm như Thầy Thông Lạc có dạy trong sách Những Chặng Đường Tu Học Của Người Cư Sĩ.
Ở đây các bạn nên lưu ý: pháp thân hành niệm đi lòng vòng đó chỉ nên tập khoảng 30 phút thôi, và mục đích là tập tỉnh thức, không phải tập pháp này mà chứng đạo. Chứng đạo là ở chỗ tâm không bị trói buộc bởi các triền cái, kiết sử, không tham sân si mạn nghi với chính nhân quả của mình và của người, chứ không phải đi ức chế niệm khởi là chứng đạo. Chúng ta phải hiểu rõ mục đích của từng pháp tu chứ không tu sai.
Người cư sĩ trong cuộc sống hằng ngày thì tập tỉnh thức trong công việc. Ngày thường, chúng ta cũng đi đứng nằm ngồi chứ có khác gì đâu, nhưng nay tâm bận rộn hơn nên dễ quên thân hành, khẩu hành, ý hành do vậy mà chúng ta dễ phiền não theo cảnh. Khi nào mà tâm ta phiền não theo cảnh đó là khi chúng ta đang phóng dật, mất chánh niệm. Nên chúng ta phải thận trọng hơn rất nhiều. Chính những người thân, huynh đệ, đồng nghiệp của chúng ta là nơi mà chúng ta phiền não. Không phải họ là nguyên nhân của khổ đâu, chính do TẬP ĐẾ trong ta đang còn, các DỤC LẬU đang rỉ chảy ào ạt nên ta khổ, chứ không phải họ đâu. Nhưng ta cứ hay trách tại người này, tại người kia.
Trước khi bước đi chúng ta tác ý: "tôi đi tôi biết tôi đi", rồi chúng ta bước đi; hay ngồi cũng vậy, v.v.. Chúng ta tập "Ý LÀM CHỦ", nghĩa là các hành động của thân luôn được ý kiểm soát (chứ không phải làm trong tâm si không thấy biết việc mình làm). Đó là một quá trình huân tập, vì nào giờ chúng ta thích làm gì là làm đó liền, chúng ta làm mà không biết việc mình đang làm, ai nói gì trái ý là nói lại liền nên dễ bị rơi vào tà ngữ, đưa đến khổ mình khổ người. Chính chúng tôi cũng chủ quan trong việc thực hành, chúng tôi chú ý nhiều đến thiền quán mà ít để ý đến tập tỉnh thức, nay chúng tôi thấy rằng đó là thiếu sót trên bước đường thực hành của mình.
TỈNH THỨC và THIỀN QUÁN là đời sống trí tuệ đoạn trừ đau khổ ngay trong hiện tại.
(Tứ Niệm Xứ Thực Hành)
Nhận xét
Đăng nhận xét