BỐN THÁNH QUẢ GIẢI THOÁT 1 - Thầy Thích Bảo Nguyên



Hôm qua quý sư cô và phật tử có hỏi về 4 thánh quả: Nó gồm có Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất lai quả và A La Hán Quả. Trong 4 quả thánh này chỉ cho các giai đoạn tu tập hướng đến diệt trừ các hạ phần kiết sử và các thượng phần kiết sử. Có 5 hạ phần kiết sử và 5 thượng phần kiết sử:

  •         5 hạ phần kiết sử gồm có: Thân Kiến, Nghi, Giới Cấm Thủ, Tham và Sân
  •           5 thượng phần kiết sử gồm có: Sắc Tham, Vô Sắc Tham, Mạn, Trạo Cử và Vô Minh

Đó là 10 kiết sử: 5 hạ phần kiết sử và 5 thượng phần kiết sử.

Các kiết sử chỉ cho phiền não. Kiết sử là gì? Là trói buộc trong tâm thức của ta. Thí dụ tai mình nghe. Mình nghe người này khen mình hoặc chê mình. Ở đây đức Phật nói mình kiết sử, do tâm mình chấp vào tiếng nghe. Ý thức của tai chấp vào tiếng nghe. Nếu người ta khen mình thì mình mừng mình vui, mình xan tham vào tiếng nghe, tiếng khen đó. Hoặc người ta chê mình, mình giận, mình buồn, mình chấp vào tiếng chê đó. Cái đó gọi là kiết sử. Trong cái thức, cái biết đó, nó có cái tham chấp sinh ra phiền não. Cái đó Phật gọi là kiết sử.

Sở dĩ con người khổ cũng là do các kiết sử này tạo ra. Trong kinh Phật gọi là HỮU KIẾT SỬ. Hữu là có, mình sở hữu kiết sử trong lòng. Ai khen thì mình mừng mình chấp; ai chê mình thì mình phiền não, đau khổ. Mình sỡ hữu, mình cố chấp những điều này vào tâm mình. Cái đó goi là Hữu kiết sử. Con người khổ cũng do cái hữu kiết sử này tạo ra.

Ở đây đức Phật dạy mình, khi mình tu tập hướng đến đoạn trừ các hạ phần kiết sử và các thượng phần kiết sử thì lần lượt mình chứng được 1 trong 4 thánh quả, gồm có Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất lai quả và A La Hán Quả.

4 quả thánh này chỉ cho 4 TRẠNG THÁI GIẢI THOÁT, điệt trừ các hạ phần kiết sử và các thượng phần kiết sử phiền não của ta. Người nào đoạn trừ các kiết sử phiền não này thì mình chứng được quả thánh là như vậy. Khi chứng được quả thánh thì nó tương ứng với các trạng thái giải thoát của ta. Chứng là gì là trạng thái diệt trừ phiền não trong tâm thức của ta. Người này không còn đau khổ phiền não điều gì.

Ví dụ quả chứng thứ nhất, Dự Lưu Quả. Trong Dự Lưu Quả, đức Phật dạy chúng ta: một vị chứng được Dự Lưu Quả vị ấy dứt trừ được 3 hạ phần kiết sử: Thân Kiến, Nghi và Giới Cấm Thủ. Người nào dứt trừ sạch 3 hạ phần kiết sử này thì tương ứng với Quả Dự Lưu.

Để đoạn trừ 3 hạ phần kiết sử này thì chứng ngộ được chân lý Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo và các pháp hành trợ đạo của Phật. Mình nương vào Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo và các pháp hành trợ đạo của Phật mới giúp mình diệt trừ 3 hạ phần kiết sử này.

Trong đó đức Phật dạy mình đoạn trừ THÂN KIẾN. Thân Kiến gọi là chấp thân, kiến - chấp, chấp cái thân của mình. Người nào còn chấp thân, người đó còn Thân Kiến. Thí dụ lỡ cái thân mình nó bệnh đau, chấp cái thân này bệnh khổ, sợ hãi về bệnh, rồi sợ chết nữa, v.v… Khi mình chấp cái thân mình như vậy thì cái đó gọi là Thân Kiến. Cũng từ nguyên nhân chấp thân mà xảy ra các phiền não khác. Thí dụ như phiền não SÂN TÂM, phiền não THAM. Người bị bệnh, họ đau bệnh, thường có tâm lý khó chịu, ai làm điều gì không vừa ý là dễ giận dễ buồn. Mình bị đau bệnh mà không có người lo lắng, chăm sóc, rồi tủi thân, rồi buồn khổ, rồi giận người không lo cho mình là như vậy. Từ cái chấp thân đó mà nó dẫn đến kiết sử phiền não sân tâm là như vậy.

Nguồn gốc sinh ra lòng sân, lòng tham cũng xuất phát từ Thân Kiến mà ra. Cũng vì Thân Kiến mà nó sinh ra lòng sân và lòng tham của ta. Hoặc cũng vì thân kiến này, lỡ người ta chê mình 1 câu, chị xấu quá, chị mập quá, chị ốm quá, chị đen quá, v.v… Chuyện này ở đời người ta có nói như vậy không? Có không quý phật tử? Nếu mình không biết tu, nếu mình còn chấp cái thân này, khi nghe người ta nói như vậy, trong lòng cảm thấy buồn cái điều người ta chê mình. Mà nguyên nhân nào mình buồn? Mình chấp cái thân này, mình cho rằng cái thân này là của tôi. Nó lúc nào cũng tự cho nó là tốt, đẹp, xinh xắn. Do mình chấp cái thân đó nó mới dẫn đến phiền não. Con người phiền não là do chấp cái thân của mình. Cái đó Phật gọi là Thân Kiến kiết sử. Cái người chê mình đó là pháp trần. Sắc thanh hương vị xúc pháp. Mình nghe người ta chê mình nó thuộc về thinh trần.

Do mình chấp cái thân của mình, cho cái thân mình là tốt, người ta chê cái thân mình xấu, nó sinh ra cái phiền não liền. Cái đó Phật gọi là Thân Kiến kiết sử. Thân Kiến này nó thuộc về tâm thức của ta, nó chấp vào cái thân của mình mà sinh ra phiền não đau khổ là như vậy.

Để mình ĐOẠN TRỪ được Thân Kiến, mình nương vào pháp hành trợ đạo nào để mình đoạn trừ nó? Đức Phật dạy mình pháp hành trợ đạo là tu tập Tứ Niệm Xứ. Tứ Niệm Xứ là 4 pháp quán:
  • quán thân,
  • quán thọ
  • quán tâm,
  • quán pháp


Trong đó Phật dạy mình quán thân. Trong kinh phật gọi là quán thân trên thân để khắc phục tham ưu. Tham ưu chỉ cho phiền não. Thí dụ người ta chê mình xấu mình buồn mình giận cái đó Phật gọi là tham ưu. Nếu người ta chê mình, chị xấu thì ngay đó mình quán cái thân này: Trong kinh Tứ Niệm Xứ, Phật dạy mình quán thân này là BẤT TỊNH, thân này là U NHỌT, thân này là BÊNH TẬT, thân này là VÔ THƯỜNG, thân này là VÔ NGÃ.

Trong đó Phật dạy mình quán thân này là bất tịnh. Trong nội thân mình nó gồm những thứ bất tịnh như là máu, nước dịch, nước mũi, nước miếng, mủ, đờm dãi, lông tóc, v.v... nhiều bất tịnh trên đó. Cái thân mình nó là bất tịnh. Hoặc cái thân mình nếu mình không vệ sinh tắm rửa thì cái thân này nó cũng bất tịnh.

Khi mình quán cái thân bất tịnh như vậy, lỡ người ta chê mình xấu, chị xấu quá thì mình đặt niệm quán liền: Ờ, cái thân này vốn nó là BẤT TỊNH, nó cũng xấu xa nó cũng hôi thối thôi. Đâu có gì mà tốt đẹp đâu.

Hoặc là khi cái thân này nó về già, bệnh chết, khi chết đi, cái thân này nó sình trương, thối rữa, ròi bọ đục khoét và từ từ nó mục rã, nó tan hoại vào đất, nó không còn cái gì cả. Đến đây thân mình nó trở thành VÔ NGÃ hết, nó không còn thực thể gì trên thân của mình. Khi mình quán thân Vô Thường, bệnh chết, hôi thối không còn cái gì cả, thì ngay đó cái tâm chấp vào cái tâm này: đẹp xấu, khen chê nó còn không? Hết liền!

Cho nên ở đây đức Phật dạy mình khi 6 căn mắt tai, mũi, miệng, thân, ý tiếp xúc với 6 trần, nếu nó gặp đối tượng nào ác pháp, nếu lỡ người ta chê mình xấu, v.v… thì mình cứ đặt niệm, nghĩa là ngay hiện tại mình nhớ lời Phật dạy mình quán cái thân này là Vô Thường, Vô Ngã, không có gì là của ta thì ngay lập tức cái niệm chấp vào khen chê kia tự nó sẽ đoạn diệt liền. Đó là phương pháp đức Phật dạy mình đoạn trừ thân kiến, đoạn trừ chấp thân là như vậy.

Mình muốn diệt trừ tham ưu phiền não thì Phật dạy mình tác ý câu hướng, câu quán như vậy thì tự trong lòng mình cái tâm kiết sử chấp vào thân này của ta, đẹp xấu này của ta, tự ngay đó đoạn diệt liền. Nó sẽ chấm dứt cái thân kiến của ta. Khi nó đoạn diệt Thân Kiến như vậy thì người này từ nay về sau lỡ ai có khen chê mình thì trong lòng có còn chấp cái thân này không? Không còn. Từ này về sau nó không còn chấp thân nữa. Từ trong trí tuệ nó biết thân này là bất tịnh, Vô Thường, Vô Ngã. Nó thường sống với pháp như lý tác ý, an trú vào câu hướng thì mọi phiền não trong thân này ngay đó là đoạn diệt sạch. Cho nên mình muốn tu tập đoạn trừ Thân Kiến thì mình nương vào pháp hành trợ đạo Tứ Niệm Xứ. Phật dạy chúng ta là như vậy.

Sở dĩ mình khổ là do mình không có TÁC Ý, mình QUÁN cái câu Phật dạy như vậy. Do mình không có quán nên tâm mình dễ bị kiết sử. Tai mình nghe người ta chê thì nó chấp liền, chấp vào tiếng chê đó, mà sinh ra phiền não. Sở dĩ chúng ta phiền não là do mình còn thân kiến

Cho nên ở đây Phật dạy mình chứng các quả thánh, chẳng qua là mình đoạn trừ thân kiến, đoạn trừ cái chấp thân là như vậy.

Khi mình đoạn trừ chấp thân, cái phiền não sinh ra, buồn phiền, sân giận cái thân này không còn. Thậm chí người ta có hại cái thân này xấu đi nữa, nhưng lòng mình biết rằng thân này nó Vô Thường, Vô Ngã thì mình không còn chấp. Chứ thường người ta chấp cái thân này lắm.

Có lần thầy biết 1 phật tử này bị tai nạn xe, bị dập, hư hết nửa bên mặt. Trước khi bị tai nạn, bình thường phật tử này có khuôn mặt xinh xắn lắm, khi bị tai nạn, 1 bên mặt bị biến dạng, hư 1 con mắt. khi bị hoàn cảnh như vậy thì phật tử này đau khổ lắm. Trong tâm trí lúc nào cũng nghĩ quẩn là phải chết, chứ sống làm gì nữa, khuôn mặt mình không còn. Tối ngày cứ nghĩ quẩn là phải chết không muốn sống. Chuyện này có không quý phật tử? Có người trước đây họ rất xinh, rồi do điều kiện nhân quả sống như thế nào, hoặc bị tại nạn, hoặc bị bỏng lửa bỏng nước sôi, hoặc có người bị người ta tạt a xít, cả thân hình bị biến dạng thì trong hoàn cảnh nếu họ còn chấp thân kiến nhiều thì sự đau khổ về cái thân này tột cùng. Và họ không muốn đối diện cái thân xấu xí của mình. Vì vậy có nhiều người họ nghĩ quẩn, muốn chết đi để không gặp cái thân xấu xí của mình. Cái này là do cái gì tạo ra? Đó là Thân Kiến kiết sử đó!

Con người khổ cũng là do mình chấp thân mà dẫn đến cái suy nghĩ phiền não như vậy.
Trong trường hợp phật tử này khi bị tai nạn biến dạng 1 bên mặt, cũng sinh tâm phiền não như vậy. Lúc đó phật tử có duyên gặp thầy qua zalo, nhắn tin mà trong tin nhắn toàn phiền não đau khổ, muốn chết. Lúc này thầy cũng có trả lời, thầy khuyên ý, thầy khuyên nhiều lắm. Trong đó ý chính là thầy hướng cho phật tử hiểu rằng cái thân này Phật dạy nó là bất tịnh, nó là Vô Thường. Bây giờ nó sinh tươi, đẹp, rồi mai mốt khi về già cái thân này nó xấu xí không còn xinh tươi đpẹ nữa. Lúc đó thầy nhắn tin, con thấy người già lớn tuổi, nhất là 90 -100 tuổi thì mình thấy họ có đẹp không con? Thì phật tử xác nhận là không đẹp.

Thì giả sử khuôn mặt con bình thường nó không có tại nạn, nó không xấu thì khi về già nó còn đẹp không? Rồi con thấy những người già bệnh chết thì lúc này thân thể của họ sình trương, thối rữa, biến dạng hết, không còn cái gì là đẹp. Thì cái thân con cũng vậy nếu giả sử bây giờ nó đẹp, hoặc nó xấu, thì khi về già cái thân này nó chết nó sình trương thối rữa thì bây giờ nó còn đẹp không? Phật tử xác nhận không còn đẹp. Thì còn phải hiểu là như vậy. Phật dạy cái thân này nó Vô Thường đến khi hết duyên nó tan thì nó phải như vậy. Mọi khái niệm đẹp xấu nó sẽ biến mất hết. Sở dĩ con người khổ đau vì chấp vào cái đẹp xấu đó. Mình nghĩ rằng đẹp này là của tôi, mình cứ mong cho nó đẹp, mình sở hữu nó đẹp, và khi cái đpẹ này mình thì mình đau khổ nó. Vì vậy Phật nói các hành là Vô Thường. Cái gì là Vô Thường là Khổ là như vậy. Sở dĩ mình khổ cái thân già nua, xấu xí này, không còn đẹp nữa là do mình chấp nó đẹp. Cái đó Phật gọi là thân kiến kiết sử. Vì cái đẹp này mà tâm mình phiền não đau khổ khi mình bị cái thân xấu xí. Con người đau khổ là do cái thân kiến, do cái chấp thân đó mà dẫn đến phiền não cho ta.

Thì thầy giải thích cho phật tử này hiểu biết về cái thân Vô Thường Vô Ngã không có gì là của ta. Đẹp xấu chẳng qua là khái niệm do vô minh, do tham sân si tạo ra thôi. Còn cái thân này Phật dạy rằng nó là thân bất tịnh, bệnh tật, u nhọt, Vô Thường, Vô Ngã. Khi mất rồi thì mọi thứ trở thành đất bụi, mây khói, không còn gì đẹp xấu cả. Cho nên thầy phải phân tích nhiều lần như vậy thì phật tử này từ từ mới thấm dần, và cái đau khổ phiền não đau khổ nghĩ uẩn đòi chết từ từ mới nguôi ngoai. Trong đó cứ đòi chết, thầy mới đặt câu hỏi: Khi con chết ai đau khổ? Thì phật tử ấy trả lời rằng mẹ đau khổ. Có 2 mẹ con. Cha thì không còn sống với mẹ. Chỉ còn có 2 mẹ con sống bên nhau. Nếu con nghĩ quẩn con đòi chết thì mẹ đau khổ. Cái người đau khổ nhất là mẹ. Con làm khổ mẹ. Con tạo cái nghiệp ác. 

Nếu con đòi chết thì cái hành động đó là sát sinh, mình tự hủy hoại cơ thể mình. Cái nghiệp này nó nặng hơn mình giết hại các loài động vật khác. Cái người tự hại mình chết, tự vẫn, tự tử thì cái hành động đó cực ác. Cái thân mạng này cha mẹ sinh ra cực khổ, thương mình, vất vả nuôi nấng, công ơn này mình chưa có trả được. Bây giờ mình đem hủy hoại đi thì bao nhiêu công ơn mình hủy sạch hết, và chính cái hành động đó mình tạo cái nghiệp cực lớn. Thì con hay sũy nghĩ lại, cái hành động này, không nên nghĩ đến chết. Bay giờ con cứ sống. Phật dạy rằng hạnh phúc đến với tâm hồn là gì, là mình sống đạo đức, mình có hiếu với cha mẹ, sống tốt với cha mẹ, học hành chân chánh. Con thấy trong xã hội này có nhiều tấm gương lắm, có những người mù không thấy gì hết, nhưng họ có cái tài, khi họ có cái tài thì nhiều người yêu quý họ không? Yêu quý họ. Hoặc có những người cụt tay cụt chân, thậm chí là cụt chân vậy mà người ta có nghị lực người ta vẫn tiếp tục sống thì những người này xung quanh họ có ai quý không? Họ đều quý cả. Cho nên không phải cái sự mất mát của mình là xấu đâu. Xấu là do mình mặc cảm, mình chấp vào cái xấu đó. Nếu trên cuộc đời này mình cứ sống tốt mọi hoàn cảnh, sống tốt với cha mẹ, gia đình, học tập, phấn đấu siêng năng trong cv, học tập, trở thành người tốt thì chính cái tốt này nó xây dựng hp cho cuộc đời của con, gia đình của con Thầy khuyên rất nhiều, mấy ngày liền thì phật tử này từ từ mới bình tâm trở lại, sống bt trở lại, chứ không thì đau khổ lắm. Đó là phật tử này họ có duyên gặp thầy.

Như vậy chúng ta thấy rằng con người cũng vì cái Thân Kiến này mà tạo ra vô số điều đau khổ. Tự làm khổ mình, làm khổ mọi người xung quanh là như vậy. Cho nên ở đây chúng ta là người con Phật mình có duyên lành giác ngộ chánh pháp của Phật. Từ nay mình biết được khổ và nguyên nhân của khổ. Nếu mình làm điều xấu ác thì tự mình hại mình trước hết là như vậy. Trong tâm mình phải giác ngộ ra điều này. Nếu mình làm điều gì xấu ác cho mình thì tự hại mình và hại gia đình của mình đó. Khi biết như vậy thì từ nay mình có được Chánh kiến, mình biết sống, hành động chân chánh, Chánh ngữ, Chánh mạng, Chánh nghiệp. Mình không làm những hành động xấu nữa. Dù cái thân này nó có như thế nào thì Phật dạy mình tác ý: thân này là Vô Thường, Vô Ngã, không có gì là của ta. Khi hiểu ra cái lý thân Vô Thường, bất tịnh, Vô Ngã thì cái khái niệm chấp thân biến mất liền. Từ này phiền não về chấp thân không còn tác động chúng ta nữa. Từ này cái thân này mình sống có ý nghĩa, cố gắng phấn đấu kham nhẫn để mà sống, sống để đem đến an vui hạnh phúc cho mình và gia đình của mình là như vậy.

Trong cái Thân Kiến nó nhiều nghĩa lắm. Trước đây thầy có giảng về Thân Kiến rất nhiều. Hôm nay thầy nhắc sơ lại như vậy. Trong cái Thân Kiến đức Phật chỉ cho mình nó thuộc về NGŨ UẨN: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Trong đó có sắc thức: chỉ cho 6 căn duyên với 6 trần, tiếp xúc với 6 trần, nhận biết các pháp xung quanh ta. Thí dụ thân thức, nếu lỡ cái thân này nó lạnh hoặc nóng, trước cái lạnh nóng này sinh ra cái phiền não đau khổ cái nóng lạnh này, đó cũng là Thân Kiến. Hoặc là thiệt thức: khi mình ăn lỡ thức ăn này nó dở, mình phiền não nó, mình chê người nấu dở không ngon thì cái này cũng gọi là Thân Kiến luôn. Hoặc là khi ăn ngon mình dính mắc mình tham chấp nó thì nó cũng là Thân Kiến luôn.

Sở dĩ chúng ta bị cái Thân Kiến là do như vậy. Cho nên để mình không bị Thân Kiến khi mình ăn thì Phật dạy mình quán THỨC ĂN BẤT TỊNH. Bây giờ nó ngon vậy vào bụng rồi cũng là bất tịnh. Khi mình quán, tác ý thức ăn bất tịnh như thế thì phiền não Thân Kiến về thức ăn không còn, ăn chỉ để sống thôi, chứ không còn ngon dở thiệt hơn, ngon biết ngon dở biết dở nhưng không chấp, không phiền não. Thì mình không còn Thân Kiến là như vậy.

Hoặc tai mình nghe người ta khen mình hoặc chê mình. Khi khen tâm mình tham chấp, thích thú tiếng khen. Khi chê tâm mình sinh buồn khổ, hờn giận oán trách tiếng chê. Mình phiền não tiếng khen và chê như vậy, cái đó cũng gọi là Thân Kiến luôn. Nó thuộc về nhĩ thức.

Cho nên Thân Kiến nó gồm có 6 thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. 6 thức này mà sinh ra phiền não đó là Thân Kiến đó

Cho nên một cái phiền não nào đến Thân Kiến thì mình tương ứng pháp quán Tứ Niệm Xứ: quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp để mình diệt trừ phiền não trên 6 thức đó.

Thí dụ tai mình nghe người ta chê mình, họ nói xấu mình, nói điều không tốt về mình. Để mình xả phiền não này thì mình tu pháp quán nào trong 4 pháp Tứ Niệm Xứ? Phật dạy mình QUÁN PHÁP TRÊN PHÁP để KHẮC PHỤC THAM ƯU.

QUÁN PHÁP TRÊN PHÁP là gì? Thí dụ tai mình nghe người ta chê mình thì nó thuộc về pháp gì? Pháp ác. Pháp ác là do nhân quả xấu. Nhân quả xấu này do đâu tạo ra, do nghiệp tạo ra. Nghiệp này từ đâu? Từ nhân quả trước đó của mình. Vì vậy Phật nói chúng sinh là thừa nghiệp. Trong quá khứ mình gây mình xấu tốt cho ai thì hiện tại này mình gặp cái nhân quả đó. Đến đây mình nương vào pháp quán là khổ, mình nương vào pháp quán của Tứ Diệu Đế: Khổ đế và Tập đế. Mình nương vào pháp quán của Phật để mình quán ra sự thật về Khổ, tại sao người này ghét mình, thù oán mình, chê bai mình nói xấu mình hại mình thì Phật dạy mình quán về Khổ và Nguyên nhân của Khổ. Sở dĩ mình gặp cảnh khổ này là do quá khứ mình gây điều xấu ác cho ai, khiến bây giờ đủ duyên mình gặp môi trường nhân quả xấu ác đến với mình. Cái đó Phật gọi là thừa tự nghiệp. Cho nên Phật nói, chúng sinh là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Đời trước mình đã từng chê ai, chửi ai, mắng ai, nói xấu ai, mình tạo cái nhân, khiến bây giờ mình gặp cái người này chê mình, chửi mình, hại mình, nói xấu mình đủ thứ điều. Đó là quả.

Hành động đời trước mình chửi người ta, mình gieo nhân, bây giờ mình gặp người này chửi mình, đó là quả. Đến đây Phật dạy mình nương vào pháp Tứ thánh đế, mình quán về khổ và nguyên nhân của khổ. Khi mình gặp ác pháp nào tác động đến thân của ta làm ta khổ thì Phật dạy mình quán pháp trên pháp để khắc phục tham ưu.

Mình gặp cái ác pháp này mình phải quán nó. Để quán nó thì mình nương vào pháp Tứ Diệu Đế, gọi là trên pháp tứ thánh đế mình quán khổ và nguyên nhân của khổ. Sở dĩ người này ghét mình, thù oán mình đó là nhân quả của mình, khiến mình bị cái hoàn cảnh này. Khi mình quán ra khổ, nguyên nhân của khổ, mình biết nhân quả của mình là như vậy thì trong lòng mình còn hờn trách ai được không? Khi biết rõ đó là nghiệp của mình, nhân quả của mình chứ không ai làm mình khổ cả. Khi mình hiểu ra cái lý nhân quả khổ và nguyên nhân khổ thì cái tâm chấp, phiền não cái người chửi mình không còn. Đến đây tâm mình nó tác ý cái tâm hoan hỉ, bằng lòng, đón nhận hoàn cảnh, nhân quả xấu này của mình, mình đã làm ai khổ, bây giờ khiến người ta làm khổ mình. Huề. Chứ không có gì là xấu cả.

Khi mình quán pháp trên pháp, mình hiểu được cái lý khổ và nguyên nhân khổ như vậy thì trong lòng mình, Phật dạy mình hãy HỶ XẢ nó, để mình xả cái tâm phiền não mình không còn tham ưu, đau khổ cái hoàn cảnh xấu này. Cái đó Phật gọi là quán pháp trên pháp để khắc phục tham ưu là như vậy. Mình nương vào pháp Tứ Thánh Đế của Phật để mình tác ý xả cái nghiệp khổ của mình, thì ngay đây cái khổ nó sẽ đoạn diệt liền.

Ngày xưa đức Phật chứng trí tuệ Tam Minh, trí tuệ Lậu tận mình là ngài chứng đc cái chân lý đó, chứng được sự thật khổ và nguyên nhân của khổ. Tại sao người này hại mình người này ghét mình, thì đó là nhân quả của mình, không có ngẫu nhiên người ta đem đến cái xấu cho mình. Trên đời này không có ai hại mình, mà chỉ có mình hại mình mà thôi. Cho nên Phật nói, kẻ thù lớn nhất đời mình là chính mình. Chính nhân quả nghiệp khổ của mình khiến mình phải chịu nhân quả xấu, chứ không có ai ngẫu nhiên đem cái xấu cái ác này đến với ta được. Khi mình hiểu được cái lý nhân quả khố và nguyên nhân khổ như thế thì bên cạnh đó Phật dạy mình Diệt khổ.

Chân lý thứ 3 là Diệt đế - diệt khổ - nghĩa là mình diệt quả khổ đang xảy ra, đồng thời mình diệt nguyên nhân của khổ. Thí dụ người này hại mình, người này ghét mình thì mình diệt nó đi. Mình diệt nó bằng câu tác ý. Phật nói: Thôi, nhân quả này cũng là Vô thường cả, đủ duyên người này ghét mình hại mình nói xấu mình. Hết duyên nhân quả này cũng tan không có gì là thường cả. Đến đây Phật dạy mình quán các hành vô thường, nghiệp khổ vô thường, khổ lạc vô thường, cái gì khổ nó xảy ra thì nó sẽ sinh diệt, không có gì là thường hằng, thường còn cả.

Khi mình quán pháp trên pháp mình hiểu được các pháp vô thường, sinh diệt như vậy thì ngay đó cái tâm đau khổ phiền não hoàn cảnh xấu này sẽ đoạn diệt trong tâm thức của ta liền là như vậy. Cho nên ngày xưa Phật dạy mình phương pháp tu tập Tứ Niệm Xứ là như vậy. Nó tu trên cái thân ngũ uẩn của nó, sắc thọ tưởng hành thúc của nó. Trong sắc thức này nó gồm cả: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thân thức và ý thức. 6 thức này duyên với 6 trần sinh ra ác pháp nào, tham ưu nào thì ngay đó mình nương vào 4 pháp quán Tứ Niệm Xứ của Phật để mình đoạn diệt nó là như vậy.

Ngày xưa Phật dạy chúng ta tu tập Tứ Niệm Xứ diệt trừ tham ưu phiền não trong thân ngũ uẩn ta là như vậy.

Khi mình tu tập như vậy thì từ nay cái thân kiến nó còn không? Thân Kiến không còn. Thứ 2, cái nghi hoặc nó còn không? Không còn nữa nha! Nghi hoặc là gì? Nghi hoặc chỉ cho mình không giác ngộ được các hành nhân quả khổ và nguyên nhân khổ của ta. Vì nghi hoặc đó cho nên mình bị kiết sử trói buộc vào các hoàn cảnh.

Thí dụ người này ghét mình, không tôn trọng mình, có những hành động không tốt với mình thì trong lòng mình nghi đủ thứ chuyện, phiền não đủ thứ chuyện trong đó. Nghi người này chắc hết thương mình rồi, người này bây giờ ghét mình rồi, người này bị ai nói xấu mình bây giờ không thương mình nữa, bỏ mình rồi, ghét mình rồi. Trong lòng mình nó phiền não đủ thứ chuyện trong đó. Nó nghi người này người kia đủ thứ chuyện trong đó.

Sở dĩ chúng ta khổ là do cái nghi hoặc. Cái nghi hoặc này là do tà kiến, vô minh che mờ tâm thức của mình. Vì vậy mình cứ chấp vào cái hoàn cảnh xấu đó. Rồi tự nó suy diễn vô số những điều xấu trong tâm mình. Khi nó suy diễn xấu đến đâu thì nó chấp vào cái suy diễn xấu đó, rồi tự nó phiền não chính nó, tự nó đau khổ chính nó là như vậy.

Con người ta khổ là cái nghi hoặc đó. Cái nghi hoặc là pháp nghi, cái tâm mình nó không rõ ra mọi sự thật nhân quả. Cái người không có nghi hoặc người ta rõ ra mọi sự thật nhân quả. Ví dụ mình biết người này ghét mình, không thương mình thì trong lòng nó biết liền. Nó tác ý rằng, thôi duyên nợ nhân quả giữa mình với người này hết rồi, nó tan rồi. Trước đây còn duyên nợ thì họ còn quý mình, thương mình, ưu ái quan tâm đến mình, bây giờ hết duyên thì tự nhiên không còn. Khi nó hiểu ra cái nhân quả như vậy thì nó còn nghi ngờ người này xấu người kia xấu nữa không? Cái tâm đó là nghi hoặc đoạn diệt. Nó hiểu được cái lý nhân quả khổ và nguyên nhân khổ của nó và tự nó hiểu ra đó là nhân quả khổ của mình, thôi mình hãy hoan hỉ. Lỡ người này ghét mình không quý mình, không trọng mình nữa thì mình hãy hoan hỉ luôn, vui vẻ luôn, mình không có ghét ai.

Nếu mình có ghét ai, mình nghĩ xấu người ta là mình đang nghĩ xấu mình mình đang tạo nghiệp cho mình đó. Phật dạy mình nghĩ xấu ai thì mình xấu cho mình. Mình ghét ai thì tự ghét cho mình. Mình ích kỷ với ai tự ích kỷ cho mình. Mình giận ai tự giận cho mình. Vì vậy Phật nói kẻ thù hại kẻ thù là như vậy. Cái người kia họ ghét mình, chính người kia tự hại họ. Người kia ích kỷ với mình là chính người kia tự hại họ. Người kia tham lam với mình là người kia hại họ. Còn mình tham lam ích kỷ với người kia là mình tham lam ích kỷ cho mình. Mình ghét người kia là mình đang ghét mình, mình hại mình. Cho nên Phật nói 3 hành động thân khẩu ý khi mình hành động điều gì thì tự nó là của mình cả, chứ không thuộc về của ai. Vì vậy Phật nói: Kẻ thù hại kẻ thù là như vậy.

Mình tự ái ai, hờn giận ai, đó là mình đang hờn giận tự ái cho mình đó. Mình là kẻ thù của mình.
Mình đang mặc cảm tủi thân, thân phận của mình với ai là mình đang hại mình đó.
Cho nên Phật nói 3 hành động thân khẩu ý này khi nó chấp cái điều gì thì tự nó tạo nghiệp: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Khi mình quán ra khổ và nguyên nhân khổ như vậy thì từ nay cái nghi hoặc, cái pháp nghi, mình nghĩ xấu người này người kia nó còn không quý sư cô, phật tử? Hết liền. Đến đây là mọi pháp nghi, nghi người này xấu người kia xấu người này hại mình người kia hại mình nó không còn. Khi mình quán ra khổ và nguyên nhân khổ thì cái nghi hoặc, những điều nghĩ xấu người này người kia biến mất liền.

Mình nghĩ xấu người này người kia là tự mình đang xấu cho mình, chứ không ai làm cho mình xấu cả. Khi mình giác ngộ được cái lý nhân quả khổ và nguyên nhân khổ như vậy thì phiền não nghi hoặc trong tâm  của ta đoạn diệt sạch liền.

Cho nên ngày xưa người nào đến nghe đức Phật giảng về chân lý Tứ Diệu Đế, họ giác ngộ được khổ và nguyên nhân của khổ. Khổ này là do chính mình tạo ra. Hiện tại mình đang gặp cái quả khổ nào mình người ta mang đến cho mình thì đời trc mình đã từng mang đến cái khổ cho người khác, Mình tạo cái nhân bây giờ người khác mang đến quả khổ cho mình. Đó là sự công bằng của nhân quả. Vì vậy Phật nói kẻ thù hại kẻ thù là như vậy.

Khi mình hiểu ra lý nhân quả khổ và nguyên nhân khổ như vậy thì trên đời này có ai là kẻ thù của ta không? Không có. Từ nay mình làm cái điều gì thiện ác thì biết rằng đó là của mình cả. Còn người ta họ có thiện ác với mình thì chính họ là kẻ thù của họ. Nếu lỡ họ mắng chửi mình, chê bai mình, miệt thị mình thì người kia là kẻ thù của họ. Còn mình biết tu thì mình quán về Khổ và Nguyên nhân của khổ. Mình biết ngay rằng à thôi đó là nhân quả của ta. Nhân quả này đời trước mình tạo, bây giờ mình bị người ta chửi, thôi mình biết thương xót cho cái người hại mình. Cái người hại mình họ khổ lắm, họ đang tạo nghiệp xấu cho họ. Mình phải biết thương xót cho cái hành động không tốt của họ. Khi mình quán pháp trên pháp, mình nương vào pháp hành trợ đạo từ bi hỷ xả phật dạy, mình quán được tâm bi, mình hiểu được nghiệp xấu của họ thì lòng mình chỉ biết thương xót họ. Khi mình biết thương xót cho họ thì trong lòng mình còn giận người kia không? Nghi hoặc được đoạn diệt liền. Vì vậy Phật nói:

"Hận thù diệt hận thù,
Không đời nào diệt được,
Từ bi diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu."

Mình nương vào pháp hành trợ đạo mình quán tâm bi để mình thương xót cho mọi hoàn cảnh nhân quả của người ta. Người ta thù oán mình, hại mình là chính họ đang khổ. Còn mình đó là nợ nhân quả của mình, mình biết hỷ xả cho họ. Nhân quả này cũng vô thường, người ta chửi một lát người ta đi, khi mình quán pháp trên pháp, mình hiểu được pháp vô thường sinh diệt như vậy thì cái nghi hoặc, cái tâm phiền não chấp vào điều người ta hại mình, nghĩ xấu mình tan biến liền.

Cho nên ngày xưa Phật dạy chúng ta giác ngộ chân lý Tứ Diệu Đế, để từ đó mọi tà kiến, vô minh, si mê, nghi hoặc tự ngay đó là đoạn diệt sạch, nó không còn trong ta nữa là như vậy. Vì vậy nhiều người nghe đức Phật giảng về thánh pháp Tứ Diệu Đế này thì những kiết sử hạ phần kiết sử: thân kiến, nghi hoặc ngay đó là đoạn diệt sạch hết. Họ biết rằng từ nay mọi cái nhân quả khổ là do mình tạo ra. Nếu mình biết tu tập theo Phật, mình đoạn diệt nghi hoặc, mình nương vào pháp hành trợ đạo của Phật để mình quán về khổ, nguyên nhân của khổ, quán về từ bi hỷ xả để lòng mình buông xả hết thì mọi cái nghi hoặc thân kiến này từ đó chấm dứt sạch, nó không làm cho mình đau khổ nữa là như vậy.

Cho nên ngày xưa người ta nghe đức Phật giảng xong bài kinh như vậy thì bao nhiều triền cái, bao nhiêu kiết sử phiền não trước đó, khổ về chồng, khổ về con, khổ về cuộc sống mưu sinh, khổ về gia đình, khổ về hoàn cảnh xấu, người này ghét, người này không thương mình nó không còn tác động vào tâm của ta là như vậy. 

Ngày xưa Phật dạy cái chân lý diệt khổ là như vậy. Giác ngộ ra được điều này thì các hành khổ, các kiết sử: thân kiến, nghi hoặc nó mới đoạn diệt sạch trong ta. Từ nay trong tâm mình nó mới có Chánh kiến. Khi nó có Chánh kiến rồi thì từ nay mọi cảnh xấu cảnh khổ gì đến nó còn tác động được không? Không còn. Người này chứng được quả Dự Lưu liền.

Trong kinh phật gọi là vị đó chứng được pháp nhãn thanh tịnh. Pháp nhãn chỉ cho giác ngộ - hiểu được 4 chân lý Tứ Diệu Đế, hiểu được khổ, nguyên nhân khổ; khổ về cách hành vô thường, khổ, vô ngã, hiểu ra mọi sự thật nhân quả, các hành vô thường sinh diệt, không có gì là ta là của ta. Khi nó hiểu ra chân lý giác ngộ này thì người ấy chứng được pháp nhãn thanh tịnh. Khi chứng được pháp nhãn thanh tịnh thì Phật nói tâm vị ấy ly trần vô cấu. Ly – lìa xa, đoạn diệt; trần cấu – chỉ cho tâm thức phiền não của ta. Mình phiền não cái thân của mình, phiền não tâm của mình, phiền não hoàn cảnh xung quanh, phiền não gia đình của mình, vợ chồng con cái của mình, cái chuyện gì đau khổ là mình hay phiền não. Cái đó gọi là trần cấu.

Cho nên 1 người chứng được pháp nhãn thanh tịnh, thì ngay đó tâm thức của họ ly trần vô cấu, nghĩa là những cái phiền não gì trước đây, phiền não chồng con, vợ anh chị em cha mẹ hoặc cuộc sống mưu sinh nó đoạn diệt trong ta. Thí dụ lỡ trước đây chồng mình không thương mình, cứ làm khổ mình, nói những điều xấu với mình. Khi mình nghe pháp Phật như vậy thì biết rằng chồng mình làm như vậy ai khổ? Chồng khổ phải không? Khi biết chồng khổ như vậy thì mình là người biết tu phải biết thương xót cho chồng. Mình trải cái tâm thương xót. Anh ấy làm anh ấy khổ lắm. Mà khi khổ mình phải biết thương xót người ta. Khi mình tác ý cái tâm thương xót thì trong lòng còn giận chồng được không? Hết liền à. Cái tâm đó Phật gọi là ly trần vô cấu. Mình không còn phiền não những cái điều xấu của chồng, của con vì mình sống cái tâm thánh.

Cho nên cái người chứng được Quả Dự Lưu có nghĩa là nhập vào dòng Thánh. Là thân khẩu ý của mình sống theo hành động của thánh, là từ bi hỷ xả hết, tứ vô lượng tâm giải thoát quả khổ. Những điều xấu điều khổ nào đến với ta thì mình từ bi hỷ xả vô lượng. Mình hóa giả vô lượng khổ. Đã là hóa giải vô lượng khổ thì không bao giờ chấp khổ được. Cái tâm đó gọi là Thánh

Nhập vào thánh là như vậy, đến đây là mình sống theo thánh. Hành động của thánh là gì, kham nhẫn những điều khó nhẫn, nhẫn để vượt qua cảnh khổ. Trong kinh Pháp cú Phật nói nhẫn khổ hạnh tối thượng. Mình kham nhẫn để mình hoan hỷ bằng lòng vượt qua cảnh khổ, mình không phiền não cảnh khổ thì tâm đó là giải thoát Niết bàn, tâm đó là Vô lậu. Cho nên sự tối thượng nó là như vậy.

Trong thánh quả Dự Lưu, khi mình nhập vào dòng thánh rồi thì từ nay nó sống theo hạnh của thánh không. Mà hạnh của thánh là hạnh của vô ngã, từ bi hỷ xả, kham nhẫn những điều khó nhẫn nhẫn để thành tựu đạo quả giải thoát, không phải nhẫn nhu nhục đâu. 

Nhẫn để diệt trừ phiền não của ta, nhẫn đế mình chiến thắng giặc phiền não của mình. Mình đối diện mọi cảnh khổ, nghịch cảnh sóng gió, mọi cảnh khổ xảy ra mà mình nương vào pháp hành trợ đạo của Phật để mình hóa giải thì phiền não trong tâm thức này nó mới đoạn diệt được, mình mới ly trần vô cấu được là như vậy. Cho nên Phật nói khi tâm vị ấy ly trần vô cấu, cái gì sinh ra cái ấy tự diệt hết. Nghĩa là sao? Nghĩa là những phiền não trước đây, trong quá khứ, hiện tại và tương lai nó chấm dứt sạch hết.

Quý sư cô quý phật tử nhớ câu thứ 3 Phật nói: tâm vị ấy ly trần vô cấu, cái gì sinh ra cái ấy tự diệt hết. Nghĩa là những hành khổ, nhân quả gì của ta, quá khứ, hiện tại tương lai ngay đó là đoạn diệt sạch, tự nó đoạn diệt hết. Ví dụ ngày hôm qua mình còn giận chồng, giận con, giận người thân của mình, hôm nay nghe thầy giảng như vậy, mình hiểu được pháp phật dạy giải thoát như vậy thì trong lòng mình nó còn giận được không? Nó không còn nữa. Nghĩa là cái khổ quá khứ nó đã xảy ra thì ngay hiện tại nó đoạn diệt luôn, hoặc là lỡ ngay hiện tại này có ai làm mình khổ thì nó cũng xả luôn, nó không còn chấp nữa, thì cái này nó tự sinh tự diệt. Người này chê mình, nhưng mà nghe xong thì buông xả không có giận thì cái nhân quả xấu này nó tự sinh tự diệt, nó đến rồi nó đi, nó hợp rồi nó tan nhưng mình không bị kiết sử theo nhân quả đó, mình không thiệt hơn, đúng sai, phải trái với nó, tâm mình bất động với nó. Cái đó Phật gọi là nhân quả tự sinh tự diệt.

Hoặc tương lai mình gặp cảnh xấu nào xảy ra, cảnh ác nào xảy ra nhưng trong tâm mình giác ngộ rồi, mình buông xả mình không còn chấp nó nữa thì tương lai cảnh khổ này còn không? Không còn thì nó sẽ tự sinh tự diệt luôn là như vậy. Vì trong tâm ta nó đã sống với cái pháp diệt đế. Phật gọi là pháp bất tử. 

Mình trú vào cái bất tử Niết bàn, tâm mình chỉ tương ưng Niết bàn, chứ nó không tương ưng nhân quả sinh tử luân hồi nữa. Nghĩa là cái cận tử nghiệp ngay hiện tại này nó không còn tác động ta, nó không làm cho mình khổ được. Người này có ghét mình không thương mình nhưng lòng mình hỷ xả, bất động luôn, lòng mình không giận hờn oán ghét ai được. Tâm đó Phật gọi là cái gì sinh ra, cái ấy tự diệt, nhân quả này tự sinh và tự diệt. Nó không còn tương tác nghiệp khổ luân hồi nữa, tâm mình đến đây là bất động giải thoát, chấm dứt luân hồi sinh tử ngay hiện tại là như vậy. Cho nên khi chúng ta nhập vào dòng thánh là mình sống thánh quả giải thoát hiện tại này mình được giải thoát và tương lai nhân quả khổ nào đến nó không làm cho mình khổ được. Còn nghiệp quá khứ mình biết nó rồi, mình không còn chấp nó nữa thì các hành nghiệp quá khứ đoạn diệt sạch là như vậy.

Cái phần thứ 3 là GIỚI CẤM THỦ. Giới Cấm Thủ chỉ cho là mình hành những điều sai mình cho là đúng, đó là Giới Cấm Thủ. Mình tạo dựng công đức nào sai mà cho là đúng, đó là Giới Cấm Thủ. Mình tu tập sai mà cho là đúng đó là Giới Cấm Thủ. Hoặc ngược lại mình tu đúng mình cho là sai đó cũng là Giới Cấm Thủ luôn. Nhìu khi mình tu pháp này đúng nhưng có người họ nói rằng mình tu sai, người ta nói là mình tu tà tu sai, họ phủ nhận cái điều đó, thì cái tâm đó cũng là Giới Cấm Thủ luôn nha. Như vậy Giới Cấm Thủ nó có 2 nghĩa: mình tu sai mà cho là đúng; hoặc ngược lại người này tu đúng mà mình cho rằng họ tu sai. Nói chung Giới Cấm Thủ chỉ cho là tà kiến, những suy nghĩ của mình nó hoàn toàn không đúng Chánh kiến. Nó hiểu sai chân lý Phật dạy, rồi nó chấp vào cái sai, tu tập cái sai, rồi hướng dẫn cái điều sai này cho mọi ng, đều tu sai hết. Đó là Giới Cấm Thủ.
Cái người đoạn trừ Giới Cấm Thủ thì từ nay họ không còn hiểu sai, hiểu 1 cách rõ ràng, đúng đắn theo con đường Bát Chánh Đạo của Phật. Từ nay chính họ có 1 cái tri kiến hiểu biết từ nơi họ. Họ có được tín lực trong ngũ căn ngũ lực, một lòng tin chân chánh về Chánh pháp này, không thay đổi được. Khi họ có tín lực, có được Chánh kiến thì từ nay những pháp nào sai, pháp nào chánh, tự họ biết.

Người chứng được thánh Quả Dự Lưu là họ hành đúng Chánh pháp của Phật và hướng dẫn cho mọi người tu tập đúng chánh pháp của Phật, không còn lầm đường lạc lối nữa. Và người chứng Quả Dự Lưu, từ nay họ không còn tu sai pháp, từ nay họ tu đúng pháp, tu đến đâu giải thoát đến đó.

Người chứng Quả Dự Lưu rồi mình tu mới được nha. Người chưa chứng Quả Dự Lưu, chưa giác ngộ được Chánh pháp của Phật thì không thể tu được. Cho nên mình muốn đi vào con đường diệt khổ, con đường Bát Chánh Đạo thì mình phải chứng được Dự Lưu Quả thì mình mới tu giải thoát được. Còn chưa chứng được Dự Lưu Quả, chưa đoạn diệt được Thân Kiến, Nghi Hoặc, Giới Cấm Thủ, dù mình có tu pháp môn nào, làm công đức phước thiện nào cũng là con đường Bát Tà Đạo.

Cho nên ngày xưa Phật đã chỉ có 2 con đường: một là Bát Chánh Đạo, hai là Bát Tà Đạo.

Người nào đã giác ngộ chân lý của Phật, chứng được Quả Dự Lưu thì lúc này họ mới tu đúng con đường Bát Chánh Đạo. Còn nếu chưa giác ngộ chân lý của Phật, chưa chứng Quả Dự Lưu thì họ còn sống trong Bát Tà Đạo. Khi nào còn sống và tu tập trong Bát Tà Đạo, dù họ có tu tập bất cứ pháp môn gì, tạo dựng công đức gì họ cũng đi vào con đường Bát Tà Đạo. Và như vậy nhân quả nghiệp lực nhân hồi của họ tiếp diễn không bao giờ dừng lại được là như vậy.

Cho nên vào thời đức Phật khi người ta giác ngộ được Chánh pháp của Phật, người ta chứng được Quả Dự Lưu, từ đó về sau người này mới tu tập đúng con đường giải thoát Phật dạy, họ không còn lầm đường lạc lối. Người này đã nhập vào dòng thánh. Họ sống trong thánh quả giải thoát, họ sẽ được giải thoát trong hiện đời.

Cho nên đức Phật nói: “Pháp ta thiết thực hiện tại, không có thời gian đến để mà thấy, có quả tức thời, chỉ người trí tự mình giác hiểu” là như vậy.

Chỉ có 1 con đường Bát Chánh Đạo là duy nhất thôi. Một khi đã đi vào con đường này thì ngay đây là giải thoát, không có chờ thời gian tu tập, giải thoát ngay hiện tại này là như vậy.

Thì tối hôm nay thầy giúp cho quý sư cô, quý phật tử mình hiểu được thánh quả Dự Lưu là như vậy. Trong những ngày kế tiếp có thời gian thầy sẽ nói tiếp các thánh quả còn lại: Nhất Lai, Bất Lai và A La Hán.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

CHÁNH PHÁP, TƯỢNG PHÁP, MẠT PHÁP - Thầy Thích Bảo Nguyên

Kinh Ví dụ cái cưa