TÂM QUAY RA NGOÀI <> TÂM HƯỚNG VÀO TRONG

Khi đọc được một đoạn kinh, bài giảng đạo đức của Thầy nếu chúng ta quay ra ngoài so đo với bên ngoài, với người này, người kia, v.v.. thì đó là tâm buông lung, tâm phóng dật.
Pháp bên ngoài thuộc về 6 trần, 6 trần là vô thường, biến hoại, sanh diệt, nó là pháp nhân quả, nhân quả quy định nó phải vậy, đừng có thắc mắc tại sao. Tại sao người này lại theo vị thầy A để học, người này theo thầy B để học, người này giữ giới, người kia phạm giới, v.v.. tất cả đều là pháp nhân quả, nghiệp báu sai biệt của chúng sanh. Đó không phải là việc của mình. Chúng ta không có thẩm quyền gì đối với các pháp đó cả.
Việc của chúng ta là ĐỌC RA CÁI TÂM CỦA MÌNH, tâm mình KHỞI LÊN cái niệm gì? Đó mới là chánh niệm tỉnh giác, đọc và giác tỉnh ra, phân loại ra: à đây, mày là tâm sân, mày là tâm bất toại nguyện, mày là tâm đố kỵ, mày là tâm tham, mày là tâm hoan hỷ, v.v.. Khi đọc được rồi thì dùng NHƯ LÝ TÁC Ý để câu hữu với các trợ đạo mà xử nó.
Vậy thôi, công việc của một người: trên tâm quán tâm để khắc phục tham ưu là như vậy.
Bạn nói gì không quan trọng, tâm tôi khởi lên niệm gì đó mới là quan trọng. Công việc của tôi là vậy, thầm lặng bước đi, thầm lặng nói cười, giao tiếp, nhưng tôi vẫn luôn nhìn vào cái gì khởi lên nơi tâm để hóa giải nó như một cái sensor - cảm biến + bộ vi xử lý hiện đại "Pentium".
Bài pháp "Đạo Đức Giải Thoát" mà Thầy Thông Lạc dạy (mình nhớ không nhầm thì hồi khi nhóm #61cuonbang đánh máy), mình rất chú ý đến bài pháp và chính mình thực hành theo lời dạy của Thầy trong này kể cả pháp Thầy dạy hít thở, chỉ khác Thầy dạy cho người đó 1 hơi, còn mình thực hành 5 hơi. Năm hơi thở theo pháp này thì đó là pháp Sổ Tức Quan, cái này dùng để tập tỉnh thức. Nếu bạn không có duyên với hơi thở thì đi kinh hành.
Lời dạy của Thầy về tâm:
"Này con, sau khi đã hiểu đạo đức giải thoát con hãy nhìn xem tất cả những sự việc trên thế gian này không có việc gì quan trọng đối với con. Nó đến với con rồi nó đi rất tự nhiên, chỉ có tâm con mới quan trọng mà thôi."

Câu này cũng giống như câu của Ngài Ajahn Chah:
"Chỉ có một cuốn sách đáng đọc nhất, đó là tâm của chính mình"
hay:
"Đừng nhìn người gây ra cho mình phiền não, mà hãy nhìn cái tâm phiền não của chính mình".
Cũng tương đương với quán pháp với sáu nội ngoại xứ:
"Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với sáu nội ngoại xứ?
Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo tuệ tri con mắt và tuệ tri các sắc, do duyên hai pháp này, KIẾT SỬ SANH KHỞI, vị ấy tuệ tri như vậy;
và với kiết sử chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy;
và với kiết sử đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy;
và với kiết sử đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy."
Giới luật không phải là những giới thô, mà phải là ở chỗ này, ở đây nếu không hiểu thì đó là tâm si. Ở đây khởi lên tham ái, ưu bi, khổ não nào mà chúng ta không thấy được đó là tâm si, tâm vô minh triền cái ngăn che. Chúng ta phải nhìn thấy ra được lậu hoặc của mình chỗ này mới như lý tác ý được, mới là chánh niệm tỉnh giác. Cho nên đức Phật nói "ta nói toạn tận lậu hoặc cho người biết, thấy chứ không phải cho người không biết, không thấy" (MN.02). Người biết, thấy được lậu hoặc mới xả tâm được. Tu tập ly ác pháp là ly chỗ này. Còn giới to kia chỉ là đời sống thôi, tức là nếp sống chúng ta phải như vậy, còn cái chỗ yểm ly, đoạn diệt phải ở từng chút vậy.
Một người tâm thanh tịnh họ sẽ nhìn được nhiều tâm bất thiện và vi tế hơn người tâm thô tháo. Người tâm thanh tịnh hơn thì tri kiến cũng sáng hơn, năm triền cái muội lược nên sáng tỏ và chỉ ra cho chúng ta được những cái dính mắc mà chúng ta nhìn không ra. Chúng ta đừng có nghĩ rằng đọc kinh Nikaya, đọc sách thầy Thông Lạc xong là tu đúng, không dễ đâu.
Cho nên:
"Nếu thấy bậc hiền trí,
Chỉ lỗi và khiển trách,
Như chỉ chỗ chôn vàng,
Hãy thân cận người trí!
Thân cận người như vậy,
Chỉ tốt hơn, không xấu".
(Kinh Pháp Cú)
P/s: Đạo Đức Giải Thoát thầy Thông Lạc dạy https://tamphainhudat.blogspot.com/2017/03/dao-duc-giai-thoat.html

Saigon, 31/03/2019 

(Nguồn: Bát Chánh Đạo Group)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

CHÁNH PHÁP, TƯỢNG PHÁP, MẠT PHÁP - Thầy Thích Bảo Nguyên

Kinh Ví dụ cái cưa