GIỚI ĐỊNH TUỆ
Có bạn đề nghị Tâm Phúc giải thích Giới - Định - Tuệ trong các hình TP thiết kế.
Trước hết cần phải khẳng định rằng:
- Chánh kiến, Chánh tư duy thuộc về TUỆ.
- Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng thuộc về GIỚI.
- Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định thuộc về ĐỊNH
như hình TP đã thiết kế.
Vì sao lại như vậy, vì Phật dạy như vậy. Các bạn cần phải làm rõ các khái niệm mà Phật dạy: Chánh kiến là gì, Chánh tư duy là gì thì bạn sẽ hiểu vì sao 2 chi phần này lại là Tuệ. Tương tự như vậy cho Giới, Định.
Tiểu kinh Phương Quảng - Trung bộ kinh (MN.44) Tỷ-kheo-ni Dhammadinna (là bậc đại trí tuệ bên ni, giống ngài Xá lợi Phất bên nam) trong Tăng chúng của đức Phật dạy:
"-- Thưa Ni sư, ba uẩn được Thánh đạo Tám ngành thâu nhiếp hay Thánh đạo Tám ngành được ba uẩn thâu nhiếp?
-- Hiền giả Visakha, ba uẩn không bị Thánh đạo Tám ngành thâu nhiếp; Hiền giả Visakha, Thánh đạo Tám ngành bị ba uẩn thâu nhiếp.
Hiền giả Visakha, chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng, những pháp này được thâu nhiếp trong giới uẩn.
Chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định, những pháp này được thâu nhiếp trong định uẩn.
Chánh tri kiến và chánh tư duy, những pháp này được thâu nhiếp trong tuệ uẩn."
Trên lý thuyết thì tách rời ra như vậy, nhưng sự thực hành GIỚI - ĐỊNH - TUỆ đều ở trên một điểm là sống trên thân tâm của chúng ta để đạt tâm giải thoát, chấm dứt khỏi đau khổ.
Lý thuyết chỉ dùng các khái niệm mô tả sự vật, hiện tượng, quy luật khách quan mà thôi. Sự thật nằm ở nơi đời sống của mọi người, Chánh hay Tà đều ở nơi trí tuệ, thái độ, hành vi ứng xử của mọi người, đó là giới định tuệ đó.
Tóm lại, các bạn cứ tìm hiểu cho kỹ. Bây giờ thời đại internet chúng ta có điều kiện cứ nghiên cứu cho kỹ, đó là thuộc về Pháp học. Khi mà chúng ta còn chút nghi ngờ là do chưa thông suốt.
Sài-gòn, 24.05.2021
Nhận xét
Đăng nhận xét