LINH HỒN KHÔNG CÓ

Hầu như tất cả các tôn giáo đều xây dựng thế giới siêu hình, riêng đạo Phật, đức Phật thấy rõ sự thật các pháp đều là vô thường, do duyên hợp duyên tan tạo thành và không có một linh hồn, bản ngã thường còn nào trong đó.

Hiểu biết (giác ngộ) ra được LINH HỒN KHÔNG CÓ thì chúng ta mới thực hành đúng Phật Pháp được và mới đoạn trừ thân kiến kiết sử được. NẾU chúng ta còn cho rằng sau khi chết có một thần thức hay linh hồn đi tái sanh thì như vậy là TÀ KIẾN và không thể tu tập giải thoát được.
Chỉ có nghiệp tái sanh luân hồi thì mới có nhân quả công bằng. Nếu có linh hồn thì đạo Phật không ra đời, quả đúng như vậy!
Sự thật các thế giới luân hồi ở ngay trên thân ngũ uẩn của chúng ta. Trong đạo Phật cũng dùng các khái niệm như: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la, trời, người và niết bàn nhưng đó không phải là khái niệm siêu hình, mà là chỉ chỉ các trạng thái tâm của chúng ta.
Giác ngộ ra 6 nẻo luân hồi, 3 thế giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) thì mới phá vỡ được thế giới TƯỞNG TRI mà bao đời các hệ tư tưởng, các nhà triết học hay các nhà tôn giáo đã xây dựng.
Nếu sáu nẻo luân hồi, niết bàn là siêu hình thì đức Phật không có nói "NIẾT BÀN LÀ THIẾT THỰC HIỆN TẠI".
Niết bàn chỉ là một khái niệm chỉ cho trạng thái tâm chúng ta rất bình thường, không có tham sân si mạn nghi. Khi nào, ở đâu tâm ta có tham sân si mạn nghi thì chúng ta mất niết bàn.
Luân hồi là tâm chúng ta luân chuyển giữa các trạng thái tâm: a tu la, ngạ quỷ, súc sanh, người, trời. Khi có luân hồi thì nó tạo ra năng lượng nghiệp lực để tái sanh.
Đức Phật và các bậc thánh tăng đã đoạn trừ các kiết sử thì tâm các ngài ở chỗ niết bàn - tâm bất động trước nhân quả thuận - nghịch nên các ngài chấm dứt tái sanh ở đó.
Khi chúng ta giác ngộ ra điểm chấm dứt tái sanh là bất động trước nhân quả như vậy thì chúng ta phải hộ trì tâm mình trước những diễn biến nhân quả tác động đến thân tâm của mình.
Pháp để giúp chúng ta HỘ TRÌ CHÂN LÝ đó là Bát Chánh Đạo, 37 Phẩm trợ đạo.
Đạo là tâm thanh thản an lạc, chúng ta hộ trì chân lý là làm cho tâm chúng ta trở về bình an, an ổn, không lo lắng, không sợ hãi, không khiếp đảm, không phiền, không ưu, không bi, không sầu, không khổ, không oán thán, v.v..
Nếu tâm chúng ta có được sự bình an trước diễn biến nhân quả đến với mình thì đó gọi là TÂM ĐỊNH, hay là NHẤT TÂM, hay bất động tâm định, hay niết bàn, hay an trú không, v.v..
NHẤT TÂM là tâm không đau khổ trước sinh già bệnh chết, ái biệt ly, v.v.. chứ không phải tâm không có niệm.
Tâm có niệm hay không đó chỉ là một hành của thức uẩn, của ý thức nhận biết mà thôi. Và đức Phật nói: sắc - thọ - tưởng - hành - thức là vô thường, không phải của ta.
Như vậy, việc ngồi thiền ức chế vọng tưởng theo đếm hơi thở là không đúng Phật dạy và hoàn toàn không có trong kinh #Nikaya.
Biết hơi thở không phải là CHÁNH NIỆM mà đó chỉ là TỈNH THỨC.
Tuy nhiên, TỈNH THỨC giúp cho chúng ta có được Chánh niệm,
Chánh niệm là đời sống, ý nghĩ, việc làm của chúng ta theo điều thiện thì đó mới là chánh niệm.
Còn tỉnh thức, ví dụ như một người cầm ly rượu uống tuy rằng họ biết họ đang cầm ly rượu đưa lên miệng uống đó là tỉnh thức nhưng đó vẫn là TÀ NIỆM chứ không phải chánh niệm. Chánh niệm là ta biết liền uống rượu có hại cho sức khỏe, như vậy là câu hữu Chánh tinh tấn hạ ly rượu xuống, bỏ được ly rượu thì mới đạt được Chánh niệm. Tóm lại, Chánh niệm là đời sống của chúng ta được hỗ trợ bởi Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh ngữ, Chánh tinh tấn. Khi có đủ 5 chi phần đó thì có Chánh niệm và có tâm thanh thản an lạc ngay tại đó, đó chính là chánh định. Bát Chánh Đạo diễn giải theo lý thuyết thì dài dòng, nhưng nó chỉ ở trên một điểm thôi: trên đời sống giải thoát của người đang hộ trì chân lý.
Đến với đạo Phật, đủ duyên gặp được vị thầy chỉ cho ta đâu là Pháp Chân Chánh, chỉ cho ta đâu là nguồn gốc Kinh Phật để mà học để đừng bị lầm chấp, đừng bị dính vào tà kiến, mê tín dị đoan, v.v.. đó là một sự may mắn không thể đo lường được.


"Chân thật, biết chân thật,
Không chân, biết không chân:
Chúng đạt được chân thật,
Do chánh tư, chánh hạnh."
(Kinh Pháp cú)
Tâm Phúc, Sài-gòn, 21.07.2021

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

CHÁNH PHÁP, TƯỢNG PHÁP, MẠT PHÁP - Thầy Thích Bảo Nguyên

Kinh Ví dụ cái cưa